Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không có thông tin. Tức là, mỗi ngày bình quân có hơn 4 trẻ bị XHTD, con số này càng đáng báo động khi đang có xu hướng tăng lên và nhất là trong bối cảnh như Bộ trưởng đã khẳng định, “Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý hành vi xâm hại trẻ em”. Như vậy, đã có đủ khung pháp lý nhưng tại sao số vụ XHTD trẻ em vẫn còn nhiều?
Thực tế cho thấy, hạn chế XHTD trẻ em không phải chỉ cần có khung pháp lý đủ mạnh mà đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ khác. Khung pháp lý chặt chẽ, với các điều luật quy định xử phạt nghiêm khắc, có thể mang tính răn đe cao, có thể làm chùn tay một số thủ phạm nhưng chưa phải là giải pháp căn cơ. Quan trọng nhất là làm sao xây dựng một môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ, để hạn chế xảy ra các vụ xâm hại, chứ không phải trừng phạt đích đáng những kẻ vi phạm. Môi trường đó hiện nay còn nhiều thách thức. Trong nhiều trường hợp, ngay trong gia đình, ngay ở trường học, hoặc chính cộng đồng dân cư thân thuộc của trẻ còn chưa tạo cho trẻ an toàn, thì không thể bảo vệ trẻ ở những môi trường ít thân thuộc hơn.
Trước hết phải không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Phải triệt để xóa bỏ tình trạng “con tôi tôi có quyền” hoặc tâm lý “đứa trẻ đó không phải con tôi”, nhất là thái độ “kệ, con nít mà”, từ đó mới hạn chế được vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ. Chính tâm lý “con tôi tôi có quyền” nên việc đánh đập, chửi bới, nhục mạ trẻ diễn ra thường xuyên, từ đó ít có biện pháp bảo vệ con mình phù hợp trước các nguy hiểm xung quanh. Hay tâm lý thờ ơ, coi nhẹ các nguy cơ của trẻ trong một số người dân trong cộng đồng cũng tác động đến việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sai trái của kẻ xấu. Chẳng hạn, thấy có người lớn bồng ẵm, hôn hít, sờ mó trẻ, hoặc “vô tư” dẫn con của người khác đi chơi, mà vẫn cho rằng “vì người ta thương trẻ” mà không cảnh giác, không ngăn chặn thì có thể dẫn đến hậu quả thực sự. Trách nhiệm này không chỉ của cha mẹ, người thân mà còn của cả cộng đồng.
Một yêu cầu quan trọng nữa là phải giáo dục trẻ các kỹ năng phòng ngừa, thoát hiểm. Trong một số trường hợp, trẻ 8 - 10 tuổi vì được cho bánh kẹo hoặc ít tiền mà để người khác đụng chạm vào các vùng nhạy cảm, từ đó dẫn đến hành vi XHTD nghiêm trọng, có một phần do trẻ chưa được dạy dỗ đầy đủ về việc tự bảo vệ. Bài học “khu vực đồ lót” nên được xem là một bài vỡ lòng cho trẻ trong việc chống hành vi XHTD. “Khu vực đồ lót” là vùng “bất khả xâm phạm” không được để người khác chạm vào, kể cả người thân, trừ trường hợp có “loại trừ” - như cha mẹ chẳng hạn, nếu có ai chạm vào thì phải vùng chạy, phải la lên hoặc kêu cứu. Trẻ cũng phải được dạy là không nhìn “khu vực đồ lót” của người khác, không chạm vào vùng đó của người khác, dù có bị bắt buộc hay không. Ngoài ra, phải luôn dạy trẻ ý thức cảnh giác trước người lạ và một số thủ đoạn thường thấy của kẻ có thể có hành vi XHTD, như dụ dỗ đi chơi, dụ dỗ cho bánh kẹo, đồ chơi, dụ xem phim “đen”, hay đụng chạm, ôm ấp một cách vượt mức bình thường…
Bên cạnh đó, sự tham gia bảo vệ trẻ của các đoàn thể ở địa phương, nhất là hội phụ nữ và đoàn thanh niên, cũng cần được phát huy. Nên tập trung vào công tác phòng ngừa nhiều hơn, từ việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng… cho đến các hoạt động hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ vật chất. Trong đó, cần quan tâm đến việc thu thập chứng cứ và hỗ trợ gia đình thu thập chứng cứ (như nên làm gì, giữ các vật chứng gì, thông tin đến đâu…) khi xảy ra vụ việc, để kịp thời tìm ra thủ phạm, từ đó có thể xử lý thủ phạm một cách nghiêm minh.
Cuối cùng, vấn đề pháp lý cần được nghiên cứu thấu đáo để có thể tăng tính răn đe hơn, từ có góp phần ngăn ngừa các trường hợp phạm tội. Để bảo vệ trẻ tốt hơn, cần nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa; nếu chỉ dừng lại ở khung pháp lý mà cho rằng như vậy đã đủ thì rõ ràng các vụ XHTD trẻ sẽ còn tăng cao.