Cần quyết liệt, đồng bộ

LTS: Trang Nhịp cầu bạn đọc ngày 13-9 đã phản ánh tình trạng tội phạm gia tăng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Từ trang viết này, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trao đổi xung quanh giải pháp phòng chống, với mong muốn tội phạm được trấn áp, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Cần quyết liệt, đồng bộ

LTS: Trang Nhịp cầu bạn đọc ngày 13-9 đã phản ánh tình trạng tội phạm gia tăng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Từ trang viết này, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trao đổi xung quanh giải pháp phòng chống, với mong muốn tội phạm được trấn áp, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Chốt dân phòng thuộc công an P7, Q6, TPHCM hầu như không có người trực. (Ảnh chụp ngày 13-9). Ảnh: Tuấn Vũ

Chốt dân phòng thuộc công an P7, Q6, TPHCM hầu như không có người trực. (Ảnh chụp ngày 13-9). Ảnh: Tuấn Vũ

Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng trộm cắp, cướp giật ngày càng hoạt động công khai, lộng hành ở TPHCM và trên cả nước. Điều này thể hiện rõ qua hàng loạt vụ trộm cắp, giết người cướp tài sản với mức độ phạm tội nghiêm trọng gần đây. Là một người dân, tôi rất bức xúc và bất an trước thực trạng này, sau mỗi vụ việc xảy ra, các đơn vị chức năng, cơ quan công an cho biết sẽ vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tội phạm. Tuy vậy, trên thực tế trộm cướp vẫn diễn ra nhan nhản, ở một số địa phương số vụ xảy ra còn tăng hơn trước. Qua đó cho thấy biện pháp ngăn chặn, phòng chống trộm cắp của chính quyền, ngành chức năng hiện nay chưa thực sự đồng bộ và quyết liệt.

Xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: công an các phường ở TPHCM đặt nhiều chốt dân phòng ở khu phố, tổ dân phố, các tuyến đường vắng, dạ cầu… Tuy nhiên, rất hiếm có chốt dân phòng phát huy được tác dụng. Một số chốt được dựng lên cho có rồi để trống không có người trực chốt, nếu có cũng ngồi qua loa một vài giờ vào ban ngày (mà cướp giật thì thường xảy ra vào ban đêm). Có chốt bố trí người trực nhưng chỉ có một dân phòng, đáng nói người trực ở chốt này lại là người lớn tuổi, sức khỏe kém, khó xử lý được nếu có trộm cướp xảy ra. Do đó, thiết nghĩ nếu công an các phường, chính quyền địa phương chấn chỉnh được điều này sẽ góp phần hạn chế được số vụ và mức độ trộm cướp xảy ra.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn nạn cướp giật, trộm cắp đang hoành hành hiện nay, ngoài các biện pháp nghiệp vụ tăng cường tuần tra, theo dõi trấn áp tội phạm của công an, về phía chính quyền, tổ chức đoàn thể cần thắt chặt quản lý các đối tượng nghiện ngập, hút chích, có dấu hiệu tham gia các băng đảng. Cần tạo việc làm tại chỗ cho các đối tượng thất nghiệp, lang thang tại địa phương. Với người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tính mạng và tài sản trong mọi lúc mọi nơi, cần mạnh dạn tố giác khi phát hiện có đối tượng trộm cắp, cướp giật… Một yếu tố quan trọng hơn, kẻ gian, đối tượng phạm tội khi bị bắt cần được cơ quan chức năng xử phạt nghiêm để tạo sự răn đe. Nếu ngành chức năng biết rút kinh nghiệm từ những khiếm khuyết, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như trên, tin rằng nạn trộm cướp sẽ được hạn chế.

Trương Hiếu Tâm (Tân Bình, TPHCM)


  • SBC - chúng tôi cần các anh

Đúng như Báo SGGP phản ánh trong bài viết “Cần tăng cường trấn áp tội phạm”, gần đây nạn “cướp cạn” ở TPHCM đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân lẫn du khách trong và ngoài nước. So với các TP lớn khác thì TPHCM là địa bàn xảy ra nạn trộm cắp, cướp giật nhiều hơn và thủ đoạn, phương thức của bọn tội phạm cũng tinh vi hơn.

Chính vì thế, TP phải sớm có kế hoạch trấn áp bọn tội phạm nhằm giữ gìn và bảo vệ sự ổn định về an ninh trật tự xã hội. Ngoài tăng cường chống tội phạm của lực lượng công an cơ sở, cần huy động tiềm lực, sức mạnh của xã hội thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, Công an TP nên tái thành lập đội săn bắt cướp (SBC) như trước đây. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng TP mang tên Bác ngày càng giàu đẹp văn minh thì không thể để cho hình ảnh xấu tồn tại với nạn trộm cắp, cướp giật hoành hành, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân thường.

Phước Khanh (Nguyễn Văn Quá – Q12)

  • Không chùn tay trước tội ác

Sáng 13-9, đọc báo thấy dòng tin chiến sĩ CSGT - thượng sĩ Lương Khánh Việt đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống đua xe vào đêm 12-9 mà sao thấy nhói lòng. Anh ra đi khi còn quá trẻ, 22 tuổi. Một người hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ cho sự bình yên của thành phố, còn những kẻ kia thì thản nhiên tháo chạy để rồi tiếp tục say trong những cơn đua tốc độ. Rõ ràng, đua xe không còn là trò chơi tốc độ mà xét cho cùng đã trở thành tội ác. Trước đó vài ngày, báo chí lại đăng tải chuyện những “hiệp sĩ” ở Bình Dương bị kẻ xấu truy sát, trả thù. Nhớ dạo đầu năm, lực lượng công an tổ chức nhiều cuộc truy quét bọn đua xe, tạm giữ hàng ngàn xe gắn máy nhưng tệ nạn đua xe vẫn tồn tại.

Một người nghèo bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường, nếu theo Nghị định 34 có thể bị xử phạt 20 - 30 triệu đồng. Vậy thử hỏi, có tay đua nào đã phải đóng phạt đến 30 triệu đồng mà lẽ ra tội ấy phải đứng trước vành móng ngựa. Cũng vậy, nếu pháp luật nghiêm minh với bọn côn đồ, “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên và đồng đội của anh đã không bị kẻ xấu tiếp tục truy sát. Chống tội phạm như cách làm hiện nay còn nặng tính hình thức, phong trào, “án điểm”, thay vì phải làm quyết liệt, dài hơi và xử lý nghiêm minh.

Một nguyên nhân khác trong cuộc chiến chống tội ác là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng công an với phong trào người dân tham gia bảo vệ an ninh khu phố. Những “hiệp sĩ” ở Bình Dương bị truy sát, người dân báo tin cho công an nhưng công an chỉ có mặt sau khi kẻ xấu trốn thoát. Những tuyến đường mà bọn đua thường xuyên hoành hành chỉ có vài ba mô tô của CSGT và cơ động tuần tra truy đuổi, vắng mặt lực lượng công an địa phương, bảo vệ khu phố hoặc sự tham gia của người dân tại chỗ.

Không chùn tay trước tội ác, đó là quyết tâm của nhiều người nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Muốn vậy, phải phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an với cộng đồng người dân khu phố. Đấu tranh bằng số đông, pháp luật thuộc về nhân dân, chính quyền xử lý nghiêm minh tội phạm, tôi tin rằng cái ác, cái xấu sẽ không dám hoành hành như hiện nay…

Thuận Vũ (Bình Thạnh)

  • Nên bỏ cách trấn áp tội phạm theo phong trào

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM ngày càng phức tạp và có chiều hướng xấu đi. Những vụ cướp giật, đâm chém, giết người liên tiếp xảy ra và tính chất ngày càng dã man, công khai, xem thường pháp luật. Tệ nạn xã hội tăng cao gây bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.

Trong thời gian qua, lực lượng công an đã nhiều lần tổ chức các đợt ra quân trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, sau đợt ra quân của lực lượng công an thì đâu lại vào đó, tình hình mất an toàn trật tự xã hội lại nổi lên. Cách trấn áp tội phạm, lập lại trật tự xã hội theo phong trào, kéo dài trong nhiều năm qua đã làm cho lực lượng công an không còn là thuốc “đặc hiệu” nữa. 

Mặt khác, vì cứ trấn áp tội phạm theo chiến dịch nên sau mỗi đợt ra quân cán bộ, chiến sĩ rơi vào tình trạng xả hơi. Những lúc như vậy, các “hiệp sĩ” phải thay công an để bắt tội phạm. Đây là khe hở, mảnh đất sống cho những đối tượng hư hỏng, xấu xa trong xã hội tồn tại. Công an là lực lượng nòng cốt để phòng chống và lập lại trật tự xã hội. Thiết nghĩ, để ngăn ngừa tình trạng mất an toàn, trật tự xã hội, lực lượng công an nên thay đổi, bỏ kiểu trấn áp tội phạm theo phong trào, từng đợt như hiện nay mà cần tổ chức thường xuyên, liên tục.

Nguyễn Hiền (Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục