Cẩn trọng với sóng 5G

Cuối tháng 9 vừa qua, Viettel đã công bố phát sóng 5G tại TPHCM. Đây là bước tiến lớn trong ngành viễn thông, hướng đến những ứng dụng cho đô thị thông minh trong tương lai. Tuy nhiên, sự thận trọng với 5G cũng không phải là thừa.

Cơ sở ứng dụng đô thị thông minh

Ngày Viettel công bố 5G tại TPHCM, lần đầu tiên người dùng được trải nghiệm nhiều dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G như: giao lưu với robot mô phỏng các động tác được điều khiển từ xa qua sóng 5G, chơi trò chơi thực tế ảo trên đám mây, xem video trực tuyến với độ phân giải 8K, du lịch ảo qua camera 360... và một số ứng dụng như nhà thông minh (smart house), ứng dụng kết nối internet vạn vật (IoT) đo quan trắc môi trường nước, không khí, công tơ điện từ xa…

Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, TPHCM đi đầu trong việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam nên việc bắt tay với Viettel triển khai sớm hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiên tiến nhất thế giới sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ số thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp. 

Cẩn trọng với sóng 5G ảnh 1 Dùng thử các ứng dụng trên di động 5G tại TPHCM

Trong “cơn sóng” 5G, các nhà sản xuất di động cũng chạy đua với thiết bị 5G và giá thường cao hơn phiên bản 4G, như Galaxy S10 5G chênh lệch đến 300USD so với phiên bản S10+, hay Reno 5G của OPPO (sản phẩm được Viettel kết nối trong thử nghiệm 5G tại TPHCM) cũng có giá cao hơn so với phiên bản Reno 4G vài triệu đồng… Các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2020, di động 5G vẫn là hướng quan tâm đầu tư phát triển của các nhà sản xuất di động.

Tác động đến sức khỏe con người?

“Tôi chưa thấy Việt Nam công bố nghiên cứu về sóng 5G tác động lên con người. Đây là việc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện, cũng như công bố công khai”, anh Ngô Hồng, người dân ở quận 10, TPHCM, đề nghị.

Việc thông tin về sóng 5G tác động lên con người ra sao là cần thiết vì mạng 5G có tốc độ truyền tín hiệu cực nhanh (gấp 100 lần so với công nghệ mạng 4G hiện tại). Để có tốc độ truyền nhanh như vậy, 5G phải hoạt động trên tần số cao, truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn. Mà tần số càng cao thì càng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trên thế giới đã có thí nghiệm nghiêm túc về ảnh hưởng của trường điện từ (EMF) được tạo ra từ sóng 5G đến chuột thí nghiệm và cho thấy EMF ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của chuột và đặc biệt giảm khả năng sinh sản trên loài động vật này nếu có thời gian tiếp xúc lâu dài.

Theo thông tin từ các bài báo quốc tế, sau kết quả trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra lời khuyên Quốc hội Hoa Kỳ nên thử nghiệm an toàn sinh học về sóng 5G, trước khi đưa ra quyết định xây dựng hàng triệu trụ phát sóng. Trước đó, Cục Bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) cũng đã điều tra về tác hại của EMF có trên sóng di động với con người, song vì lý do gì đó đã bị hoãn… 

Thêm một vấn đề nữa về 5G là với đặc tính bước sóng ngắn nên khoảng cách truyền tải tín hiệu bị hạn chế hơn so với 4G. Vì thế, khoảng cách giữa các trạm 5G được giới hạn ở khoảng cách chỉ 20 ngôi nhà.

Như vậy, trong tương lai, để phổ biến mạng 5G, người dân phải “sống chung” với các trạm thu phát sóng khi bị bao vây, đây là vấn đề cần xem xét trong đô thị chứ không hẳn chỉ tác động đến sức khỏe.

TPHCM hợp tác với Viettel xây dựng hạ tầng ICT hiện đại và các nền tảng cốt lõi cho xã hội số, góp phần giúp TPHCM hiện thực hóa tầm nhìn và giữ vững vai trò chủ lực, dẫn đầu cả nước trong việc chuyển đổi số là một chủ trương lớn, gắn liền với việc xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, trước hết cần nghiên cứu thấu đáo sóng 5G tác động đến sức khỏe con người.

Trên thế giới, quá trình nghiên cứu những tác động của sóng 5G với sức khỏe con người vẫn đang bị bỏ ngỏ, trong khi một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga đã bắt đầu cho công nghệ mạng 5G và có kế hoạch thương mại hóa mạng di động thế hệ thứ 5 này.

Tin cùng chuyên mục