Cần xem xét toàn diện khi áp mức thuế TNCN

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà Bộ Tài chính vừa hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới đáng ghi nhận.

So với luật thuế hiện hành, dự thảo có ưu điểm nổi bật là tính đến việc xem xét giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế khi phải nuôi vợ con, cha mẹ,... Song dự thảo vẫn còn một số điều cần được xem xét thêm.

Hiện nay, tốc độ trượt giá của đồng tiền khá lớn, vật giá leo thang từng ngày nhưng lương công nhân viên tăng không đáng kể.

Đơn cử giá xăng 3 năm về trước chỉ 6.000-7.000 đồng/lít, nay đã tăng lên 12.000 đồng/lít (gần gấp đôi). Như vậy, nếu đưa mức khởi điểm tính thuế từ 4-5 triệu đồng áp dụng 3 năm sau (năm 2009) về thời điểm hiện tại (đã loại trừ chỉ số trượt giá) thì mức tính thuế này, thực chất còn khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Rõ ràng, ở mức thu nhập này bản thân người lao động phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới không thiếu trước hụt sau. Nay thuế TNCN đánh vào người dân có mức thu nhập này thì sẽ làm cạn kiệt các khoản dành dụm vốn còn ít ỏi của gia đình để mua sắm các vật dụng tiêu dùng và dẫn đến các công ty sản xuất hàng tiêu dùng sẽ gặp khó khăn không bán được hàng.

Như vậy, chính sách thuế TNCN nếu đánh quá sát với mức sinh hoạt phí gia đình thì sẽ không thể kích cầu cho nền kinh tế thị trường vốn còn non trẻ và làm nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ.

Thực tế, việc nới lỏng chính sách đánh thuế thu nhập khuyến khích người dân tiêu xài sẽ kích thích nền kinh tế năng động lên, doanh nghiệp bán được nhiều hàng nên đóng thuế nhiều, tạo công ăn việc làm nhiều, đời sống được nâng lên và người dân lại mua sắm hàng tiêu dùng nhiều hơn.

Trong khi đó, người dân cũng đã đóng thuế gián tiếp (thuế trị giá gia tăng-VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu thông qua các sản phẩm hàng hóa mua về. Nhìn tổng thể nền kinh tế, thì ngân sách nhà nước sẽ thu nhiều hơn nếu áp dụng chính sách này một cách hợp lý.

Thuế là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước nhưng đánh thuế sao cho người lao động còn khả năng tái tạo sức lao động, chi tiêu mua sắm, có khoản tiết kiệm phòng khi gặp rủi ro bất ngờ mà vẫn có thể đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình trong một thời gian cần thiết.

Khi người lao động chưa đủ sống thì việc tận thu cần được xem xét lại. Hiện nay đời sống của người dân mới nhích lên một chút chứ chưa phải đã thoát khỏi khó khăn.

Dự thảo luật quy định về tính thuế thu nhập đối với tiền lãi từ gởi tiết kiệm sẽ nảy sinh việc “chẻ” tiền gởi nhỏ ra và gởi tại nhiều ngân hàng hoặc cho vợ chồng con cái đứng tên tài khoản để né thuế.

Một vấn đề nữa là nhiều người di chuyển chỗ ở theo yêu cầu công việc, sẽ bán nhà này để mua nhà khác gần chỗ làm hơn hoặc do nợ nần người dân bán nhà lớn mua nhà nhỏ..., thực chất đây không phải là TNCN, nhưng dự thảo luật vẫn gom các trường hợp này vào để đánh thuế là chưa hợp lý, sai bản chất. 

TRẦN THANH

Mức khởi điểm thuế TNCN không phù hợp

Được biết, Bộ Tài chính vừa hoàn thành Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để trình Quốc hội, theo đó khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Dự thảo có điểm mới quy định về giảm trừ gia cảnh và sau khi chiết trừ gia cảnh thì thu nhập có thể sẽ không phải chịu thuế. Đồng thời, theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các phương án nêu ra trong dự thảo này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê của Nhà nước và các kết quả điều tra xã hội học về thu nhập, chi tiêu của các tầng lớp dân cư đã được công bố và dự báo theo chỉ số tăng trưởng đến năm 2009-2010. Thoạt nghe qua thì rất mừng.

Tuy nhiên, không rõ số liệu thống kê và điều tra xã hội học ở vào thời điểm nào, chưa kể các khoảng thời gian nghiên cứu, thời gian chờ báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2006, rồi lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, sau đó Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp nửa đầu năm 2007 và thi hành từ … 1-1-2009.

Như vậy, từ lúc xong dự thảo đến lúc được thông qua và thực hiện là cả một thời gian khá dài, đến khi thực hiện thì liệu luật thuế này có còn phù hợp không?

Xét vào thời điểm hiện nay, Dự thảo Luật Thuế TNCN đã thấy… không ổn, nếu không nói là đã lạc hậu. Mức thuế thu nhập cá nhân hiện hành được ấn định lúc giá vàng ở mức 5 triệu đồng/lượng, có nghĩa là thu nhập gần 1 cây vàng/tháng mới phải chịu thuế; nay với giá vàng 12 đến 13 triệu đồng/lượng mà thu nhập 4 triệu đồng/tháng phải nộp thuế thì coi như mới 3-4 chỉ vàng đã phải chịu thuế (chưa kể đến 1-1-2009 thực hiện thì nó còn trượt tới đâu?!).

Trong khi đó giá xăng dầu, cước giao thông vận tải, điện, nước, thịt thà cá mắm... nói chung là giá cả sinh hoạt đều đã tăng cao.

Và nếu đây là thuế dành cho người có thu nhập cao mà định mức khởi điểm là 4 hoặc 5 triệu đồng và cho đó đã là mức thu nhập cao thì cần phải xem xét lại cho thấu đáo.

Bởi “người có thu nhập cao” nằm trong danh sách… quản lý và bị chi phối bởi Dự thảo Luật Thuế TNCN đa số là CBCNV, mà số này Nhà nước còn đang tính đến chuyện tăng mức lương tối thiểu lên 450.000đ/tháng.

Đúng ra phải tăng mức khởi điểm chịu thuế lên cao hơn nữa sau khi đã chiết trừ gia cảnh nhằm đảm bảo cuộc sống của họ được khá hơn.

VĨNH THANH

Thuế thu nhập cá nhân
Vấn đề không phải ở mức khởi điểm

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Quan tâm nhất chính là mức khởi điểm chịu thuế và hình thức tính thuế.

Với người dân, nhận thức về nghĩa vụ đóng thuế ngày được nâng cao, thì việc đóng hay không đóng và mức khởi điểm bao nhiêu là hợp lý thực ra chưa phải là mối bận tâm lớn. Cái mà người dân quan tâm nhất chính là việc nhà nước sử dụng như thế nào đồng tiền thuế mà mình có tham gia đóng góp.

Nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng nhất, chính là nhà nước thực hiện việc quản lý, sử dụng những đồng tiền người dân đóng thuế cho ngân sách quốc gia một cách minh bạch, không lãng phí sai phạm.

Mọi khoản thu chi đều phải công khai, minh bạch cho dân biết. Nếu có sai phạm lãng phí, tham nhũng xảy ra cần phải xử lý một cách nghiêm khắc, phải tìm cách thu hồi lại tiền thuế của dân đã bị lấy đi. Việc nhà nước sử dụng ngân sách, số tiền người dân đóng thuế phải thể hiện một mục đích nhất quán là đem lại những tiện ích cho chính người dân.

Niềm tin cũng như mong mỏi của người dân xem ra không quá lớn lao, phức tạp. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng quản lý và sử dụng tiền thuế người dân đóng góp của các cơ quan nhà nước, việc đáp ứng và tạo sự tin tưởng từ dân là quá khó, thậm chí vẫn chưa thể đạt được.

Thực trạng sai phạm, lãng phí, tham nhũng ngân sách được Đảng đánh giá là “quốc nạn”, “căn bệnh nan y” mà cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp nào giải quyết thực sự cho hiệu quả.

 Chính vì thế, việc thu thuế TNCN chưa tìm được sự đồng thuận từ người dân là chính đáng. Khi người dân chấp nhận đóng góp để phát triển quốc gia, đồng nghĩa với việc nhà nước phải có những biện pháp tạo dựng niềm tin rằng tiền của dân được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Như vậy, thay vì tranh cãi cho việc mức khởi điểm là bao nhiêu cho hợp lý, nên chăng nhà nước phải xây dựng cho được một cơ chế công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách, tạo dựng niềm tin cho dân, đồng thời giảm thiểu tối đa những sai phạm, lãng phí, tham nhũng. 

NGỌC LỮ

Thông tin liên quan

Các đối tượng được miễn, giảm và không phải nộp thuế 

Giảm trừ gia cảnh: Thu nhập 15 triệu đồng có thể không nộp thuế

Khởi điểm chịu thuế từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng

Tin cùng chuyên mục