Cảnh báo những vũng nước

Khi có tai nạn giao thông, nhiều người có trách nhiệm liên quan hay đổ cho ý thức của người dân còn thấp trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không có văn hóa giao thông…, mà ít thừa nhận phần sai sót, trách nhiệm từ chính những người tổ chức giao thông, duy tu đường sá. Đã có không ít cái chết thương tâm do người đi xe máy bị xe tải cán chết khi tránh các ổ voi, ổ gà bị ngập nước trên đường.

Khi có tai nạn giao thông, nhiều người có trách nhiệm liên quan hay đổ cho ý thức của người dân còn thấp trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không có văn hóa giao thông…, mà ít thừa nhận phần sai sót, trách nhiệm từ chính những người tổ chức giao thông, duy tu đường sá. Đã có không ít cái chết thương tâm do người đi xe máy bị xe tải cán chết khi tránh các ổ voi, ổ gà bị ngập nước trên đường.

Trong mùa mưa, người đi xe máy lưu thông trên các con đường có nhiều vũng nước bị rơi vào tình huống nguy hiểm. Các vũng nước đó thường được hình thành do các nguyên nhân: mặt đường lồi lõm nên đọng nước (do thi công kém hoặc do bị lún sau một thời gian đưa vào sử dụng); độ nghiêng không hợp lý nên không kịp thoát nước (đây là lỗi thi công); cống thoát nước bị nghẽn nên không kịp rút nước (do cửa thoát nước không đủ lớn hoặc bị nghẽn rác)… Khi người đi xe máy ngang qua các vũng nước, thường có xu hướng né, bằng cách lách xe nhanh sang hai bên mà ít quan sát, khiến người đi xe sau khó xử lý nên không tránh kịp, nhiều người co chân lên cao, làm trọng tâm người và xe không cân bằng, nếu phải xử lý tình huống bất ngờ (như phải thắng gấp) thì rất dễ xảy ra sự cố… Đó là chưa kể, bên dưới vũng nước đó là một ổ gà, ổ trâu thì người điều khiển xe máy (kể cả ô tô) khi sa vào đó cũng dễ gặp rủi ro. Như vậy, các vũng nước trên đường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Cơ quan quản lý giao thông không thể vô can với tình trạng tồn tại các vũng nước trên đường hoặc các tai nạn liên quan đến các vũng nước; phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện và kịp thời khắc phục các vũng nước đó (tôn cao chỗ thấp có thể đọng nước, vá các ổ gà, ổ trâu, khai thông chỗ thoát nước, đặt biển cảnh báo…), xem xét hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn do vũng nước gây ra, xử lý cá nhân thiếu trách nhiệm…

Nhìn rộng hơn, có nhiều vấn đề thuộc kết cấu hạ tầng giao thông, nếu không được bảo đảm cũng có thể làm mất an toàn cho người tham gia giao thông. Trong đó, hệ thống chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu, dải phân cách, độ an toàn của mặt đường, cống thoát nước, các taluy… có thể tác động trực tiếp đến việc lưu thông, không chỉ gây ùn tắc mà còn là các tai nạn. Do đó, các cơ quan quản lý về giao thông phải thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục các hư hỏng; khi có tai nạn, cần phải nhìn nhận khách quan về nguyên nhân, nếu có tác động từ kết cấu hạ tầng thì cơ quan quản lý phải liên đới chịu trách nhiệm về tai nạn đó. Chẳng hạn, tai nạn xảy ra ban đêm do đèn đường bị hư hỏng thì các cơ quan liên quan phải nghiêm túc nhận trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.

VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục