Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM:

Cắt động tác thừa, sắp xếp công chức gây phiền hà

Sau hơn một tháng TPHCM thực hiện đợt cao điểm thi đua về các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính (CCHC), một số mô hình, giải pháp đã phát huy hiệu quả tích cực, lan tỏa không khí đổi mới, sáng tạo. Tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức các đơn vị có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ UBND quận Bình Tân xử lý hồ sơ do người dân gửi thông qua dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TUẤN VŨ
Cán bộ UBND quận Bình Tân xử lý hồ sơ do người dân gửi thông qua dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TUẤN VŨ

Nhanh, tiện lợi

Gia đình bà Nguyễn Ngọc Trinh (ngụ phường Tân Quy, quận 7) là trường hợp đầu tiên trên địa bàn quận được cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ chỉ trong vòng 2 ngày, sau khi nộp hồ sơ trực tuyến. Nếu như trước đây người dân muốn xây dựng nhà ở phải ghé quận trực tiếp nộp hồ sơ và đợi 15 ngày để có giấy phép, thì nay có thể nộp hồ sơ qua mạng và chỉ cần 3 ngày, thậm chí là 2 ngày như gia đình bà Nguyễn Ngọc Trinh, là có giấy phép xây dựng.

Ông Phạm Hòa Tuấn, Phó Chánh văn phòng UBND quận 7, cho hay sáng kiến cấp phép nhà ở riêng lẻ được rút gọn và làm trực tuyến như trên đang được quận nhân rộng từ 4 tuyến đường số 41, 43, 45, 47 (phường Tân Quy) tới 16 tuyến đường ở khu cư xá Ngân hàng (phường Tân Thuận Tây) và 16 tuyến đường ở khu dân cư Tân Mỹ (phường Tân Phú), trong hơn một tháng qua. Người dân chỉ cần ngồi nhà nộp hồ sơ và tra cứu là biết được ngay nhà mình có thể xây bao nhiêu tầng, khoảng trước/khoảng sau lùi bao nhiêu mét. Giấy phép xây dựng cũng được trả tận nhà, người dân không cần phải đi lại để làm hồ sơ, lấy giấy phép như trước.

Tương tự, trên địa bàn quận 9, đợt thi đua mỗi đơn vị một sáng kiến CCHC giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp sau hơn một tháng thực hiện cũng đã xuất hiện nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực. Trước đó, đầu tháng 11-2018, quận 9 đăng ký với TPHCM sẽ có các giải pháp để đến cuối tháng 1-2019 nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ nhà đất đúng hạn từ 91,9% lên 96%. Số còn lại (4%) là những hồ sơ phức tạp, cần được xác minh kiểm tra nguồn gốc quá trình sử dụng nên có thể kéo dài thời gian giải quyết so với quy trình chung. Sau khi phát động chương trình đăng ký thi đua, quận 9 đã triển khai những giải pháp cụ thể để siết chặt kỷ cương, kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ nhà đất giải quyết đúng hạn trên địa bàn quận 9 đã đạt được 96,2% - vượt mức quận đã đăng ký.

Để có kết quả bước đầu tích cực như trên, theo UBND quận 9, khâu quan trọng nhất cần chú trọng chính là con người. Trước hết, quận sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp. Cụ thể, quận đã bố trí lại công việc đối với những cán bộ, công chức chậm chạp, ngại trách nhiệm hoặc gây khó khăn cho người dân trong việc giải quyết hồ sơ. Cùng đó, quận lập tổ công tác chuyên rà soát, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ để kịp thời cảnh báo đối với những hồ sơ có dấu hiệu chậm trễ. Khi đó, công đoạn nào gặp trở ngại, chậm trễ từ ở cấp phường, phòng/ban hay Thường trực UBND quận chậm trễ là được thông báo và có giải pháp khắc phục kịp thời. Hàng tuần, tổ công tác này phải báo cáo định kỳ với Thường trực UBND quận để kịp thời có chỉ đạo tháo gỡ, tránh để hồ sơ trễ hạn. Trong quy trình xử lý nội bộ giữa các cơ quan, quận xét thấy có các “động tác thừa” thì lập tức cắt bỏ. Đồng thời, có một số công việc không phải là thủ tục hành chính nhưng qua đó sẽ giúp người dân không phải đi lại nhiều lần thì quận cũng chủ động bổ sung.

“Điều quan trọng là quận siết kỷ luật, kỷ cương, không để lơ là, chểnh mảng trong giải quyết hồ sơ”, một lãnh đạo UBND quận 9 nhấn mạnh và khẳng định, quận sẽ tiếp tập trung thực hiện các giải pháp đã đăng ký một cách hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến thật sự về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính ở mọi lĩnh vực.

Rối chỗ nào, gỡ chỗ đó

Tại quận 1, đầu tháng 11-2018, UBND quận 1 đã hợp tác với Bưu điện TPHCM tổ chức dịch vụ hành chính công tại các bưu cục từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đối với 8 lĩnh vực (cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cấp phép bán lẻ sản phẩm rượu, thuốc lá, cấp phép xây dựng...). Nhân viên bưu điện sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết tại nhà.

Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, đến nay đã có nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa như mong muốn. Nguyên do người dân vẫn chưa mặn mà với việc tiếp nhận và trả hồ sơ qua bưu điện vì quen với  cách làm theo phương thức cũ. Để đưa giải pháp đến gần người dân hơn, Bưu điện TPHCM đã đặt một bưu cục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận 1, phục vụ ngay khi người dân có nhu cầu. “Trong quá trình thực hiện, rối chỗ nào chúng tôi sẽ gỡ chỗ đó nhằm đảm bảo phục vụ người dân ngày càng tốt hơn”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Là một trong những địa phương đăng ký đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, quận Bình Tân đang có số hồ sơ nộp trực tuyến gia tăng đáng kể. Trong năm 2018, tính đến ngày 30-11, tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của quận đạt hơn 58%, đặc biệt một số lĩnh vực như y tế, lao động, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt gần như tuyệt đối. Ngoài ra, quận cũng phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), Bưu điện TPHCM để thực hiện thanh toán, trả kết quả qua bưu điện đối với 13 thủ tục, phục vụ hiệu quả cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. “Đối với các thủ tục còn lại thuộc lĩnh vực kinh tế, y tế, quận tiếp tục chuyển sang dịch vụ công trực tuyến mức độ 4”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận Bình Tân cũng nhìn nhận, tỷ lệ người dân dùng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, quận tiếp tục tuyên truyền, thông tin tới người dân về hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời cũng vận động người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến để không phải trực tiếp lui tới cơ quan công quyền. Đặc biệt, quận đang nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua mạng nhanh hơn so với kiểu truyền thống (tiếp nhận hồ sơ trực tiếp) nhằm khuyến khích người dân tham gia ngày càng nhiều hơn.

Gỡ “nút thắt” về thanh toán

Trong quá trình CCHC, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Payoo cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Người dân hoàn toàn chủ động thanh toán phí, lệ phí khi giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến qua các thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng hoặc trả sau. 

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở Công thương, nhờ sự tiện lợi này, người dân đã đón nhận dịch vụ công trực tuyến rất cao. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại sở đã lên đến 90,8%. Trong đó, 62/109 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và với 62 thủ tục này, người dân không cần ghé sở mà vẫn được giải quyết hồ sơ.

Tin cùng chuyên mục