Cha mẹ, con cái và…

Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ và con cái cần lắm sự đối thoại, lắng nghe và chia sẻ. Thế nhưng, thực tế không phải ai nấy cũng biết, cũng luôn thấu hiểu điều này.
Cha mẹ hãy luôn lắng nghe, chia sẻ cùng con cái
Cha mẹ hãy luôn lắng nghe, chia sẻ cùng con cái
Chiều quá, hóa khổ!

Đời sống ngày càng được nâng cao, việc cha mẹ nuông chiều con cái cũng càng trở nên phổ biến hơn. Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng có hoàn cảnh kinh tế khác nhau nhưng vì thương con, nên họ dễ thành những ông bố, bà mẹ nuông chiều con hết cỡ. Chính vì thế, mới có những chuyện dở khóc của một số cặp vợ chồng. Anh Hai, làm nghề thầu xây dựng, nhà ở quận Bình Tân (TPHCM), tâm sự: “Có thể nói, nghề này cho phép tôi kiếm tiền dễ dàng hơn một số nghề khác, nên chuyện cho con cái tiền bạc đôi khi tôi quá dễ dãi. Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy hối tiếc về điều này. Tại sao ư? Lúc con học cấp 2, khi cần tiền mua bất cứ đồ gì hay tiêu xài, tôi đều cho, khi thì vài chục, lúc vài trăm ngàn đồng. Dần dà, con chẳng biết tiết kiệm tiền là thế nào, rồi học đòi ăn chơi… Thương con, cho tiền con, tôi đã vô tình làm hại tương lai con mình. Nếu có cơ hội làm lại, chắc chắn tôi sẽ không nuông chiều con cái như thế”.

Khác với anh Hai, việc nuông chiều con của anh Thanh, nhà ở Hóc Môn lại là chạy theo “công nghệ số”. Lúc con trai của anh học lớp 7, đòi mua iPad để có thể truy cập Internet, anh cứ nghĩ “đời cha thiếu điều kiện để học hành, đời con phải được đầu tư”, nên sẵn sàng bỏ tiền ra mua cho con. Nhưng nào ngờ, từ ngày có iPad, con trai của anh cứ sau giờ học, về đến nhà, là vào phòng ôm máy, chơi trò chơi và truy cập Internet..., không màng nói chuyện với cha mẹ hay em gái. Ngày qua ngày, cuộc sống sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái có nhiều đổi khác, con trai càng lớn nóng tính, ít nghe lời cha mẹ hơn. “Khi đó, vợ chồng tôi mới quyết định thu lại máy iPad, chỉ cho con chơi vào cuối tuần… Vậy mà cũng mất cả năm, cuộc sống sinh hoạt của gia đình mới trở lại bình thường. Nhưng tôi xem ra còn may mắn, bạn bè tôi có người chiều con cái quá, hóa khổ, con cái mới học đến lớp 9 là nghỉ học và ăn chơi lêu lổng…”, anh Thanh nói.

Con trẻ cần… được chia sẻ


Theo các chuyên gia tâm lý, khi con cái ngày càng lớn, cơ hội tiếp xúc với các mối quan hệ bên ngoài xã hội ngày càng nhiều, hơn lúc nào hết, cha mẹ phải luôn là chỗ dựa vững chắc cho con. Mỗi ngày cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con trẻ, tạo cảm giác gần gũi để khi có điều gì đó trong cuộc sống, quan hệ bạn bè và nhất là chuyện học tập, con sẽ không ngần ngại chia sẻ, hỏi ý kiến. Nếu không, giữa cha mẹ và con cái nảy sinh khoảng cách, con trẻ ngại trao đổi và khoảng cách ấy sẽ ngày càng lớn dần. Đặc biệt, khi con trẻ có vấn đề cần chia sẻ, cha mẹ hãy lắng nghe như “những người bạn” để trẻ mạnh dạn nói hết tâm tư, tình cảm của mình; đừng mới nghe trẻ nói một vài câu là phán: “Tại con thế này, tại con thế kia…”, chắc chắn trẻ sẽ không trao đổi được gì thêm và lần sau, trẻ sẽ không kể cho cha mẹ nghe điều gì khác nữa.

Nói về sự lắng nghe, chị Thiên Trang, làm nghề kinh doanh buôn bán ở quận Tân Bình, cho biết: “Đây là một bài học nhớ đời đối với tôi nói riêng và gia đình nói chung. Trước giờ, suốt ngày vợ chồng cứ lo buôn bán kiếm tiền trang trải cuộc sống, không có thời gian ngồi nói chuyện với con. Mỗi khi bé nói ra điều gì, vợ chồng hay la mắng, nên sau này tôi không nghe bé nói gì nữa. Cứ tưởng rằng mọi thứ tốt đẹp hết với con. Nào ngờ đến một ngày, giáo viên chủ nhiệm của con điện thoại thông báo việc học của bé sa sút, vợ chồng tôi mới tá hỏa, gặp giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu sự việc. Lúc này, vợ chồng mới biết con mình thường tụm năm tụm ba đi chơi, bỏ bê việc học hành… Sau đó, vợ chồng phải giảm bớt công việc, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con và rồi tình hình tiến triển tốt hơn. Lúc đó, tôi mừng muốn rơi nước mắt. Cũng may, được giáo viên chủ nhiệm cho biết sớm, chứ không, chẳng biết giờ này con mình ra sao…”. 

Với vợ chồng anh Tâm, nhân viên văn phòng, nhà ở quận 6, chuyện nuôi dạy con cái có phần thuận lợi hơn khi cả 2 vợ chồng dù bận rộn với công việc cách mấy, nhưng hàng ngày đều dành ít nhất 30-40 phút để trò chuyện với con. Qua đó, kịp thời chia sẻ những khó khăn cũng như niềm vui, nỗi buồn với con. Anh Tâm chia sẻ, trong cuộc sống gia đình, anh và con trai (học lớp 9) thường xuyên tâm sự, nên mọi chuyện học hành, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè của con, anh đều biết. 2 cha con giống như bạn, nói chuyện rất thoải mái. Và có lẽ, nhờ tâm lý thoải mái như vậy, chuyện học hành của con trai anh cũng rất tốt, học lực của bé luôn đạt loại giỏi. Hỏi về bí quyết làm bạn với con trai, anh Tâm chia sẻ: “Có bí quyết gì đâu. Hồi lúc đầu, khi nói chuyện và dạy con, có những lúc cái tôi của mình lớn, tôi hay áp đặt con trẻ, nhưng thấy không hiệu quả. Rồi đọc sách báo về cách dạy con, mình mới thay đổi: luôn lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn con, nên giờ hai cha con mình mới nói chuyện thoải mái như vậy”.

Trong cuộc sống, dù công việc có bận rộn thế nào, việc quan tâm, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái luôn cần thiết hơn bao giờ hết. Và cũng chỉ có sự chia sẻ mới có thể góp phần làm cuộc sống gia đình nói chung và tình cảm giữa cha mẹ - con cái nói riêng ngày càng tốt đẹp hơn!

Tin cùng chuyên mục