Cha mẹ nên hiểu rõ về quyền trẻ em

Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Nhà nước ta tham gia ký cách đây 22 năm, nêu rõ những quyền lợi trẻ em được hưởng và bảo vệ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay vẫn có những câu chuyện đáng tiếc, thậm chí đáng trách do cha mẹ chưa nhận thức rõ về quyền trẻ em.
Cha mẹ nên hiểu rõ về quyền trẻ em

Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Nhà nước ta tham gia ký cách đây 22 năm, nêu rõ những quyền lợi trẻ em được hưởng và bảo vệ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay vẫn có những câu chuyện đáng tiếc, thậm chí đáng trách do cha mẹ chưa nhận thức rõ về quyền trẻ em.

Đừng để con trẻ đứng ngoài cuộc

Cháu Hoài Lan, 12 tuổi (ở Bến Cát, Bình Dương) tâm sự: “Ba mẹ cháu luôn dạy cháu phải biết vâng lời và quan tâm, yêu thương mọi người trong gia đình, không nên để người thân phải buồn phiền, lo lắng vì mình. Trong khi đó, rất ít khi ba mẹ lắng nghe, cho cháu cơ hội để giải bày những tâm tư, nguyện vọng của mình. Ba mẹ cháu cứ nghĩ rằng người lớn luôn đúng và con trẻ phải ngoan ngoãn nghe lời. Cháu nghĩ như thế là thiếu công bằng”. Khi được hỏi cháu có biết những quyền lợi mà cháu có được ở trong gia đình là gì?

Hoài Lan kể tiếp: “Có lần cháu mới đề cập đến việc con cái cũng có quyền nêu ý kiến, bày tỏ quan điểm của bản thân thì mẹ cháu đã quy chụp ngay “trẻ con biết gì mà đóng góp”, không bao giờ ba mẹ cháu cho hai anh em cháu tham gia bàn bạc những việc trong gia đình, kể cả những việc có liên quan đến lợi ích của chúng cháu như mua áo quần, đồ dùng học tập, tiện nghi trong phòng riêng của hai đứa. Ngay cả việc cho cháu đi học thêm các môn năng khiếu, ba mẹ cháu cũng chỉ thông báo cho cháu biết khi đã đăng ký xong ở trung tâm. Ba mẹ chẳng quan tâm đến cháu thích hay không. Hầu như việc gì trong nhà cháu đều phải thực hiện vì ba mẹ chứ không phải vì mong muốn của bản thân”.

Trong khi đó, trao đổi về quyền trẻ em, đa số các phụ huynh cho rằng trẻ con thời nay “lắm chuyện”, sống chỉ biết đòi hỏi cho bản thân, không biết quan tâm đến người khác. Chị Hà Thu (ở Dĩ An, Bình Dương) - phụ huynh của hai cháu đang ở tuổi vị thành niên - phàn nàn: “Tụi trẻ con dạo này “lý sự” quá, hôm qua hai đứa con tôi trao đổi với ba mẹ đề nghị phải công khai những quyền mà chúng được hưởng trong gia đình. Nuôi dạy con cái thời này thật vất vả, vừa phải lo cái ăn vừa phải quan tâm đến đời sống tinh thần của chúng. Vậy mà đâu có được yên thân!”.

Trẻ em có quyền được giáo dục, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa. Trong ảnh: Các bé gái học đàn tranh tại Nhà Thiếu nhi TPHCM. Ảnh: An Dung

Trẻ em có quyền được giáo dục, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa. Trong ảnh: Các bé gái học đàn tranh tại Nhà Thiếu nhi TPHCM. Ảnh: An Dung

Tôn trọng quyền của trẻ em

Trong thời đại ngày nay, nếu cha mẹ không tìm hiểu và công khai các quyền con trẻ được hưởng thì chúng cũng sẽ tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Song nếu điều đó diễn ra sẽ rất dễ làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Vì thế, việc tốt nhất là cha mẹ nên cùng con tìm hiểu các quyền mà chúng được hưởng, rồi trong hoàn cảnh cụ thể của gia đình vận dụng cho phù hợp. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã xác định rõ 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em:

- Quyền được sống còn: Bao gồm quyền được sống và phát triển; quyền được sống cùng cha mẹ; quyền được gia đình chăm sóc và nuôi dưỡng; quyền có sức khỏe và hưởng các dịch vụ y tế... Quyền được sống còn bao gồm quyền được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đầy đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh sau khi ra đời...

- Quyền được bảo vệ: Bao gồm quyền được bảo vệ khỏi sự bóc lột về kinh tế; quyền được bảo vệ khỏi sự lạm dụng ma túy; quyền được bảo vệ để không bị khai thác, lạm dụng về tình dục, quyền được bảo vệ để không bị buôn bán như hàng hóa và bị bắt cóc, quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột khác...

- Quyền được phát triển: Bao gồm quyền được thông tin; quyền được giáo dục, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa; quyền được phát triển về nhân cách (về mặt tâm lý và xã hội); quyền phát triển về sức khỏe và thể lực… Thực hiện quyền được phát triển của trẻ em nhằm phát triển toàn diện nhân cách của trẻ, gia đình có trách nhiệm đảm bảo quyền được nuôi dưỡng và được có mức sống đầy đủ tạo điều kiện cho trẻ phát triển đầy đủ tốt về mặt thể lực, tình cảm đạo đức. Gia đình có trách nhiệm giáo dục hoàn thiện nhân cách,  phát triển trí tuệ, văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí.

- Quyền được tham gia: Bao gồm quyền được nêu ý kiến; quyền được tự do ngôn luận; quyền được tiếp cận các thông tin thích hợp…Trẻ em được khuyến khích để bộc lộ quan điểm riêng của mình, qua đó sẽ giúp trẻ em trau dồi năng lực diễn đạt, trình bày ý kiến với mọi người. Trẻ em có quyền được giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ với mọi người. Trách nhiệm của người lớn và xã hội là phải đưa đến cho trẻ em những thông tin lành mạnh. Thực hiện quyền được tham gia, giúp cho trẻ em hiểu biết hơn, nâng cao hơn nhận thức, tích lũy được kinh nghiệm, giúp người lớn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống có liên quan tới trẻ em.

Đã qua rồi cái thời “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Vì thế, trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ cần quan tâm hơn đến những tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của con. Để thuyết phục con cái, cha mẹ không nên dùng cách giáo huấn áp đặt xuôi chiều mà cần phải xuất phát từ những quyền của trẻ. Trẻ em và gia đình cần phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân với trẻ em nói chung, nhất là những nhóm trẻ đặc biệt khó khăn, mà các quyền cơ bản còn bị xâm phạm để có cách thức tác động cho phù hợp.

Lê Phạm Phương Lan

Tin cùng chuyên mục