Chăm cho vững cái nền

Ngay sau một SEA Games được đánh giá rất thành công về chuyên môn, thể thao Việt Nam (TTVN) lại đối diện với những khó khăn trong hành trình tìm vé dự Olympic 2020. 

Đầu tiên là bóng đá, môn thi đấu dễ tạo đột biến nhất. Xét về năng lực, đội tuyển U23 Việt Nam không thua kém so với các đối thủ cùng bảng, nhưng khi thiếu đi sự may mắn như tại Thường Châu 2 năm trước, đội tuyển đã dừng bước sau 2 trận hòa và 1 trận thua. Mọi thứ rất rõ ràng: bóng đá Việt Nam có tốt, nhưng vẫn chưa đủ để nâng đẳng cấp mình lên thêm một bậc nữa.

Những môn thể thao khác, vốn dựa trên các thông số cụ thể, thì còn khó lấy vé dự Olympic hơn bóng đá dù vẫn còn ít nhất 3 tháng để tìm thêm suất dự Thế vận hội. Tất nhiên, có suất dự là một chuyện, tạo ra kỳ tích như của Hoàng Xuân Vinh hay Hoàng Anh Tuấn, Trần Hiếu Ngân đã làm trước đây lại là những hành trình cực kỳ gian nan khác.

Chính thức tham dự Olympic từ năm 1988 đến nay, đã có vài trăm lượt VĐV Việt Nam tham gia, nhưng thành tích ấn tượng thì quá ít, đa số chỉ dự thi vòng loại rồi về nước nhanh chóng, kể cả những môn chấm điểm có tính tương đối như các môn võ. Nói cách khác, khoảng cách giữa TTVN với các nền thể thao mạnh vẫn còn rất xa xôi.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến TTVN chưa đạt đẳng cấp ở các đấu trường lớn, trong đó quan trọng nhất vẫn là phần nền tảng, bao gồm cơ sở vật chất và đào tạo con người còn nhiều bất cập, yếu kém. Hồi Olympic 2012, các VĐV thể dục dụng cụ gần như phải tập làm quen với thiết bị thi đấu vì quá hiện đại so với ở nhà. Không chỉ là thiết bị, mà các yếu tố hỗ trợ tập luyện tại Việt Nam cũng rất lạc hậu hoặc thiếu trước hụt sau.

Xét về khía cạnh tài năng, TTVN vẫn có đủ cơ sở để vươn đến tầm Olympic. Sự ổn định huy chương tại sân chơi châu lục (ASIAD) là ví dụ. Nhưng nếu khâu tuyển trạch, đào tạo, tập luyện vẫn chỉ nằm ở mức cơ bản thì cơ hội sản sinh tài năng vượt trội sẽ bị đứt quãng, trông chờ vào may mắn. Trên thực tế, chỉ có những VĐV cực kỳ xuất sắc mới được cấp kinh phí ra nước ngoài tập huấn quanh năm. Mô hình đưa một nhóm VĐV có tiềm năng ra nước ngoài tập huấn để tiếp cận với trình độ thế giới như chương trình “Thế hệ vàng” của thể thao TPHCM lại không thành công vì quá tốn kém.

Có lẽ cần phải tạm gác mối bận tâm về các chỉ tiêu, số lượng suất dự Olympic mang tính phỏng đoán, phiêu lưu mà trước hết tập trung cho việc xây dựng chất lượng VĐV theo tiêu chuẩn châu Á ngay từ việc tập luyện, thi đấu trong nước. Nghĩa là cần phải có chiến lược quyết liệt để phát triển nền tảng của thể thao chuyên nghiệp, từ cấp CLB và từ chính đời sống của VĐV.

Tin cùng chuyên mục