Chăm sóc sức khỏe người lao động nặng nhọc

Chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nhất là đối với nhóm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải thực hiện.
Điều 152 Bộ luật Lao động quy định hàng năm DN phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; riêng với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.
Thế nhưng hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại vẫn chưa được DN quan tâm đúng mức. Có DN cả năm, thậm chí là nhiều năm, không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm. 
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại phải đối mặt với nhiều rủi ro về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, do đó rất cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc hàng năm, nhằm giúp phát hiện bệnh nghề nghiệp để kịp thời chữa trị, đảm bảo sức khỏe trong thời gian làm việc. Thực tế đã có người lao động mắc các chứng bệnh nghề nghiệp nhưng do không được khám sức khỏe định kỳ nên bệnh diễn tiến nặng hơn, không thể cứu chữa.
Hiện nay, có tình trạng buông lỏng công tác giám sát cũng như xử lý DN không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, hàng năm cho người lao động. Thường thì đến kỳ báo cáo, DN lập danh sách người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ nộp cho cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền.
Do không có hồ sơ quản lý bệnh án nên dù DN báo cáo không đúng, cơ quan quản lý lao động cũng khó giám sát, xử lý. Theo Điều 17 Nghị định 88 ngày 7-10-2015 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội…), nếu DN không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định, sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Mức phạt như vậy quá nhẹ, thấp hơn chi phí tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nên nhiều DN xem thường, lơ là không thực hiện.
Để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe người lao động, các cơ quan quản lý lao động cần tiến hành kiểm tra DN khi thấy có dấu hiệu vi phạm, trong đó cần thay đổi nội dung báo cáo danh sách người lao động được khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nghề nghiệp như hiện nay, để đảm bảo DN báo cáo một cách trung thực.
Bên cạnh đó cần phải sửa đổi, nâng cao mức xử phạt đối với DN vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

Tin cùng chuyên mục