Sau 5 năm thực hiện, quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi tốt VietGAP của Dự án LIFSAP tại TPHCM đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và người tiêu dùng.
Chăn nuôi heo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Hướng tới ngành chăn nuôi an toàn cho thành phố
Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ quản dự án, Ngân hàng Thế giới tài trợ và đóng góp của địa phương bằng vốn đối ứng, được triển khai từ năm 2010 tại 12 tỉnh và thành phố. Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ vật nuôi đi kèm tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Dự án tập trung chủ yếu ở các hạng mục chăn nuôi an toàn, xây dựng hầm biogas, nâng cấp lò mổ và chợ thực phẩm tươi sống.
Tại TPHCM, dựa trên các tiêu chí của dự án và quá trình thực hiện các cam kết của các hộ chăn nuôi trong nhóm GAP, UBND các địa phương tại địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện trên cơ sở thành lập các nhóm GAP.
Theo lãnh đạo của dự án LIFSAP thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết nông dân tham gia dự án, sau khi tham dự tập huấn đã hiểu và nắm vững quy trình thực hành chăn nuôi heo an toàn từ đó cải thiện điều kiện chăn nuôi và thay đổi tập quán chăn nuôi, các chỉ số chăn nuôi của các hộ áp dụng theo quy trình VietGAP đã được cải thiện rõ rệt, không còn dịch bệnh lớn trên địa bàn xảy ra. Hiệu quả lâu dài của quy trình này là môi trường chăn nuôi cải thiện hơn qua cách xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi bằng biogas làm giảm ô nhiễm mầm bệnh và mùi hôi ra môi trường xung quanh; đồng thời, tận dụng khí thải đó làm chất đốt, giảm chi phí sinh hoạt cho người chăn nuôi. Từ thành công bước đầu, ban quản lý LIFSAP tiếp tục kêu gọi các hộ chăn nuôi trên địa bàn chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng GAP, tiến tới mục tiêu xây dựng được một ngành chăn nuôi an toàn cho toàn thành phố.
Những tồn tại cần khắc phục
Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án LIFSAP, cho biết khó khăn lớn của dự án hiện nay là sự kết nối cung cầu trên thị trường tạo thành chuỗi sản phẩm an toàn từ chăn nuôi đến bàn ăn.
Một khó khăn nữa của dự án là ít có doanh nghiệp tham gia thu mua thịt heo VietGAP trực tiếp cho các hộ dân vì từ trước đến nay doanh nghiệp chỉ mua heo thông qua thương nhân, những người này đến từng nhà mua lẻ của hộ dân rồi bán lại cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Dự án LIFSAP Hồ Chí Minh, ngày 8/10/2015 Sở Nông nghiệp và PTNT TPHCM đã tổ chức lễ ký kết liên kết và tiêu thụ sản phẩm heo đạt chứng nhận VietGAP cho các hộ dân chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP tham gia Dự án LIFSAP tại thành phố và Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, địa chỉ 59/1A ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, điện thoại: 3710 9999 (di động: 09133781616), nhằm thu mua heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, giết mổ và đưa sản phẩm heo an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường.
Tiếp ngay sau đó, ngày 9/10/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức khai trương sạp kinh doanh thịt heo đạt chứng nhận VietGAP tại chợ Hòa Bình, quận 5 của thành phố hướng đến việc đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, cách thể hiện rõ trên các bảng hiệu của sạp “thịt heo đạt chứng nhận VietGAP” để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, cũng là cách quảng bá rộng rãi cho từng người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục làm thêm nhiều cầu nối đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn với các doanh nghiệp khác cho vùng chăn nuôi heo VietGAP của thành phố; Qua đó, giúp người chăn nuôi yên tâm mở rộng chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
| |
Hoàng Thái