Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2023-2028: Không ngừng nỗ lực học tập và cống hiến

Nhiều người ví, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” giống như bông hoa 5 cánh (Học tập tốt - Đạo đức tốt - Kỹ năng tốt - Hội nhập tốt - Thể lực tốt), tạo nên vẻ đẹp cân đối và hoàn hảo. Nhưng đó không chỉ là vẻ đẹp mà thực sự tiềm tàng một nội lực mạnh mẽ của thế hệ sinh viên mới, những người đang chuẩn bị để sẵn sàng gánh vác những trọng trách của tương lai. Tinh thần đó đang rạng ngời trên gương mặt những đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

Cách đây 6 năm, cái tên Mai Hải Yến đã được xướng lên trong lễ vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 với giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng. Khi đó, Hải Yến chỉ mới 15 tuổi, một học sinh của Trường THCS Đoàn Kết (TPHCM) với kết quả học tập các môn luôn suýt soát tuyệt đối cùng rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Cũng trong năm đó, Hải Yến lọt vào tốp 10 công dân trẻ tiêu biểu TPHCM ở lĩnh vực hoạt động xã hội.

r1c-9638.jpg
Sinh viên Mai Hải Yến (Học viện Cán bộ TPHCM) là một trong 200 đại biểu trẻ tuổi trên cả nước tham gia hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" 2023

Còn hiện nay, Hải Yến đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên của học viện. Có lẽ việc được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang là học sinh THPT chính là động lực to lớn để Hải Yến luôn nỗ lực hết mình trong mọi hoạt động, trở thành “Sinh viên 5 tốt” cấp học viện.

Mặc dù học tập tốt là ưu tiên của Hải Yến nhưng các hoạt động xã hội mới là cơ hội để cô thể hiện được bản thân mình, một con người luôn nhiệt huyết, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cô đã cùng các bạn “lấy chuyên môn làm tình nguyện” thông qua các chương trình như: tham gia hỗ trợ cải cách hành chính, công tác đảng, đoàn thể tại các UBND phường trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình “Tập sự phục vụ nhân dân” do Đoàn - Hội Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức mà Hải Yến là thành viên nòng cốt được duy trì thường xuyên trong năm học với 2 đợt cao điểm vào Tháng Thanh niên và Chiến dịch Tình nguyện mùa hè xanh.

Chỉ riêng trong năm 2023, Hải Yến và các bạn đã kết nối với hơn 15 đơn vị quận, huyện phối hợp tổ chức chương trình, đưa hơn 500 sinh viên đến các cơ quan đơn vị hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, hơn 12.000 lượt người dân được hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính, hơn 3.000 hồ sơ được sắp xếp số hóa, hơn 8.000 lượt người dân được hỗ trợ cài đặt ứng dụng VneID… Chương trình đã giúp cán bộ, công chức địa phương giảm tải áp lực làm việc, mang lại hiệu quả cao hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời giúp chính các sinh viên nâng cao chất lượng học tập. Chương trình “Tập sự phục vụ nhân dân” đã nhận Giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành đoàn TPHCM trao tặng.

Mơ ước khai thác “mỏ vàng” dữ liệu

Vẻ ngoài thông minh, tác phong nhanh nhẹn, thái độ lễ phép của Nguyễn Tuấn Thành, sinh viên chuyên ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh (BDA), Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội mang lại nhiều thiện cảm cho người đối diện. Dù vậy, tôi vẫn rất ngỡ ngàng khi đọc hồ sơ dài dằng dặc của Thành. Không hiểu cậu sinh viên này đã phân bổ thời gian, tâm trí như thế nào để có thể hoàn thành được chừng ấy công việc một cách xuất sắc như vậy. Với một sinh viên, chỉ cần 1 danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương là đủ hiểu thành tích “khủng” và toàn diện như thế nào.

nguyen-tuan-thanh-6931.jpg
Sinh viên Nguyễn Tuấn Thành

Nhưng ở chàng trai trẻ này, nghiên cứu khoa học vẫn là điểm nổi trội với giải nhất Hội nghị Nghiên cứu khoa học Sinh viên Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội lần thứ 15; giải nhất Thiết kế Poster nghiên cứu khoa học với đề tài: “Sử dụng XGBoost để khám phá các tính năng tận dụng thứ hạng của trang web trong ngành giáo dục: Công cụ thiết thực để tối ưu hóa liên kết nội bộ”; công bố bài nghiên cứu khoa học tại hội thảo quốc tế Thái Lan với đề tài: “Tác động của truyền miệng điện tử đến ý định tham gia các mô hình kinh doanh tuần hoàn của người tiêu dùng Việt Nam”...

Thành tâm sự, vì có niềm đam mê với công nghệ, phát triển kỹ năng mềm nên cậu chọn ngành học BDA và giành luôn suất học bổng thủ khoa xuất sắc trị giá 100% học phí toàn chương trình đào tạo của Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội. Thành ý thức được rằng, dữ liệu là “mỏ vàng” trong kỷ nguyên chuyển đổi số, tốc độ phát triển xu hướng dựa trên dữ liệu tại các doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn, vì vậy các đề tài nghiên cứu của Thành đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Quá trình nghiên cứu thường là một hành trình dài 4-6 tháng, liên tục, khắc nghiệt và không phải không có lúc mệt mỏi. Nhưng Thành coi đó là những viên gạch xây nền móng cho tương lai, giúp Thành chinh phục được học bổng du học ở những bậc học cao hơn tại các quốc gia có nền khoa học tiên tiến như Australia, Mỹ, Singapore. Thành mong muốn các trường đại học có thể kết nối với doanh nghiệp để đề tài nghiên cứu của sinh viên có cơ hội hiện thực hóa.

Cầu nối để hội nhập

Huỳnh Tấn Đạt là cái tên khá nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Australia. Năm 2022 anh là 1 trong số 8 sinh viên đang học tập ở ngoài nước được trao danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Mới đây, thành tích tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sydney (Australia) ngành kinh tế với số điểm tối đa và sau đó giành suất học bổng tiến sĩ với tổng giá trị gần 280.000 AUD (xấp xỉ 5 tỷ đồng) của Huỳnh Tấn Đạt được rất nhiều sinh viên ngưỡng mộ. Nhưng Đạt lại được biết đến nhiều hơn với vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, cầu nối cho du học sinh Việt Nam hội nhập.

r3c-5328.jpg
Sinh viên Huỳnh Tấn Đạt

Đạt cho biết, Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia hiện có hơn 22.000 hội viên, trải dài ở 7 bang. Vì vậy, Đạt và các cấp hội phải rất nỗ lực để tổ chức được các phong trào phù hợp với điều kiện khoảng cách địa lý. Với quan niệm muốn thu hút được sự tham gia của sinh viên thì các hoạt động của đoàn, hội phải gắn với nhu cầu thực tế, Huỳnh Tấn Đạt thường xuyên kết nối với những người thành công trong một số lĩnh vực tại Australia thực hiện các buổi tư vấn hướng nghiệp cho cộng đồng du học sinh.

Đạt cũng tham gia tổ chức nhiều hoạt động về văn hóa, gần đây nhất là một số chương trình văn hóa, ẩm thực Việt nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Australia (1973-2023). Tại sự kiện này, nhiều món ăn nổi tiếng của Việt Nam, nhiều trò chơi dân gian đã được giới thiệu để quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Từ thực tế của bản thân, Đạt nhận thấy muốn hội nhập, điều thiết yếu nhất là việc trau dồi ngoại ngữ để tương tác hiệu quả trong môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, sinh viên cần chủ động tham gia các chương trình, sự kiện, hội thảo quốc tế, trao đổi văn hóa, kinh nghiệm do Trung ương Đoàn, Hội Liên Hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Đạt chia sẻ, hội nhập không chỉ mở rộng tầm hiểu biết và kỹ năng của sinh viên mà còn giúp họ thích ứng linh hoạt với môi trường đa văn hóa. Điều này làm tăng cơ hội nghề nghiệp, phát triển mạng lưới quan hệ quốc tế. Sinh viên tham gia hội nhập không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho bản thân và đất nước, mà còn có thể đóng góp tích cực vào cộng đồng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục