ChatGPT và hai “chiều kích” còn lại

Sáng 7-2, trong buổi họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đề cập đến công cụ ChatGPT.

Trước đó, vào ngày 1-2, tại hội nghị Tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ giải pháp tháng 2-2023, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng đã lưu ý về ChatGPT trong xu thế bùng nổ mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), “đây thực sự là thử thách để mỗi người khẳng định giá trị của mình”.

Điều mà Bí thư Thành ủy TPHCM muốn nhấn mạnh chính là vai trò của các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, viết lách khi mà AI ngày càng trở thành một công cụ quan trọng để tổng hợp, phân tích. Nếu từng thành viên của các ban tham mưu, các viện - trung tâm nghiên cứu không tự nâng chất, không tự cập nhật, và quan trọng là không biết cách tiếp cận để cùng đồng hành và tận dụng các sản phẩm của khoa học công nghệ AI thì sẽ bị đào thải từ thực tiễn cuộc sống.

Cũng như với lực lượng báo chí thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích tính 2 mặt của công cụ này. Nó sẽ là động lực khiến báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí cải tiến, phát triển ứng dụng AI, công nghệ mới nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Nhưng cũng cần tỉnh táo để nhận thấy rõ “điều quan trọng là không điều gì thay thế là ý thức chính trị, kinh nghiệm để báo chí làm tròn sứ mệnh của mình” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Xét ở góc độ công nghệ, ChatGPT là một biểu tượng của sự phát triển về tính kết nối dữ liệu lớn thành chuỗi - siêu - văn bản, nó không khác mấy một “game” về diễn giải ngôn ngữ dựa vào kho “kiến thức” mà ChatGPT có được từ bộ dữ liệu ban đầu do OpenAI dựng sẵn (với 300 tỷ từ). Tính tương tác của nó được thiết lập trên cơ sở dự đoán những từ, câu và đoạn văn có khả năng xuất hiện tiếp theo dựa trên dữ liệu đầu vào ở bước 1 - tức thu thập dữ liệu trên internet (sách, tin tức, báo khoa học, Reddit, Wikipedia và các nguồn online khác).

Chính vì vậy, xét ở góc độ con người - chủ nhân của công nghệ, ChatGPT đã đảm trách tốt vai trò “công cụ hỗ trợ con người thu thập thông tin, kiến thức và đề xuất, tư vấn một câu trả lời phù hợp nhất theo quan điểm của bộ dữ liệu văn bản cực lớn ban đầu của OpenAI”. Nó cần được tận dụng như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định chứ “không phải để sợ hãi, để trốn tránh, mà để mỗi ngành, mỗi đơn vị, thậm chí mỗi người nhìn nhận lại vị trí, vai trò, khả năng của đơn vị, bản thân mình” như lưu ý của đồng chí Nguyễn Văn Nên.

Và đó là lưu ý đúng về mặt khoa học, trúng về phương thức vận dụng thực tiễn. Bởi, thử đặt cạnh khảo nghiệm “3 chiều kích” mà Bí thư Thành ủy TPHCM từng đưa ra thì, xét về chức năng thu thập, tổng hợp dữ liệu ban đầu, thậm chí nó tiếp cận luôn cả người dùng - đầu cuối, ChatGPT gần như tương đương với “chiều kích thứ nhất” của người cán bộ - (i) đúng vai thuộc bài, nắm kỹ pháp lý chức năng, nhiệm vụ của mình. Song, ở 2 chiều kích còn lại là (ii) lòng trắc ẩn với các vấn đề, khó khăn của người dân, của doanh nghiệp; (iii) tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì công việc, lợi ích chung thì sẽ chẳng có một công cụ robot ảo nào thay thế nổi.

Người cán bộ còn phải làm việc, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp bằng sự thấu hiểu (ngoài kỹ năng hiểu - biết), tận tâm và tận hiến cho xã hội, con người. Cũng như không Dữ liệu lớn (Big Data) nào thay thế được ý thức chính trị, đạo đức và kinh nghiệm của người viết báo, làm báo.

Tin cùng chuyên mục