Chạy theo kỷ lục vô nghĩa

Dư luận trong nước và quốc tế đang rất ngạc nhiên khi hay dự án Tháp Truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới (636m) đang được nghiên cứu, hợp tác đầu tư.

Dư luận trong nước và quốc tế đang rất ngạc nhiên khi hay dự án Tháp Truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới (636m) đang được nghiên cứu, hợp tác đầu tư.

Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14ha tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Ngạc nhiên bởi vì từ khi phủ sóng vệ tinh rồi, tư duy xây tháp truyền hình đã trở nên lạc hậu. Đang là thời truyền hình vệ tinh và tích hợp các dịch vụ truyền thông ứng dụng công nghệ cao, chẳng có quốc gia nào triển khai các dự án xây tháp truyền hình cao ngất như trước.

Ngay cả các tháp truyền hình nổi tiếng như tháp Eiffel, tháp Tokyo, tháp Seoul hiện nay chủ yếu được khai thác làm điểm tham quan du lịch, quan sát trên cao. Và chính lãnh đạo VTV cũng thừa nhận: “Ý nghĩa của Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ là giá trị biểu tượng, phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch. Còn thu phát sóng truyền hình là phụ, dù khi xây xong nó vẫn sẽ được lắp đặt hệ thống giàn anten trên đỉnh tháp”. Làm biểu tượng thì quá tốn kém trong lúc này; còn thu hút du lịch có vẻ viển vông khi đất nước có rất nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả.

Trong những năm gần đây, ở nước ta xuất hiện xu hướng chạy theo kỷ lục lớn nhất, cao nhất, chỉ để thu hút sự chú ý, chứ không vì yêu cầu hay mục tiêu cụ thể nào. Có thể nói đó là do tâm trạng không tự tin, đang cần khỏa lấp sự tự ti, nỗi mặc cảm bằng những thứ khổng lồ. Ngoài ra, đó còn là kết quả của căn bệnh thành tích nặng đến nỗi đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một đất nước còn nghèo, hàng triệu người dân còn lo ăn từng bữa, nhưng thói háo danh, háo thành tích đã len lỏi vào đời sống xã hội.

Trong cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng, việc chạy theo những kỷ lục vô nghĩa nảy sinh, lây lan, gây tác động tiêu cực đến việc phát triển lành mạnh của xã hội. Bệnh thành tích và bệnh háo danh là những căn bệnh rất dễ thấy ở mọi nơi, nhất là trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nó thể hiện ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, từ đơn giản đến tinh vi, biểu hiện ở một cá nhân hay một tập thể cụ thể… Cùng với vấn nạn tham nhũng, lãng phí, bệnh thành tích đang có nguy cơ khiến cho các thang bậc giá trị bị đảo lộn. Về mặt quản lý xã hội, bệnh thành tích khiến cho thực tế bị méo mó, các cơ quan chức năng không thể đề ra được những quyết sách đúng đắn. Với xuất phát điểm, tiềm lực của nền kinh tế còn non yếu thấp kém, tư duy về xây dựng và phát trển kinh tế hạn hẹp nhưng luôn muốn làm cái gì cũng cao nhất, to nhất, hoành tráng nhất thì đất nước ngày càng trở nên tụt hậu hơn.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục