Chế tài hành vi ở lại nước ngoài trái phép

Trong những năm gần đây, tình trạng du khách Việt Nam đi tham quan, du lịch ở nước ngoài và người lao động sau khi hết thời hạn theo hợp đồng lao động bỏ trốn để ở lại sinh sống và làm việc diễn ra ngày càng nhiều. Quy định của pháp luật Việt Nam đối với hành vi này như thế nào?

Ở lại nước ngoài trái phép là hành vi đã ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp và được nước tiếp nhận chấp nhận cho nhập cảnh, tuy nhiên lại tự ý trốn ở lại nước ngoài không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thể hiện qua các hành vi: bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép; không về nước khi hết thời hạn thị thực… 

Trước đây, Điều 274 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về hành vi ở lại nước ngoài trái phép, theo đó, người nào đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Hình sự 2015 đã loại bỏ hành vi ở lại nước ngoài trái phép và không còn xác định hành vi này là hành vi phạm tội nữa. Pháp luật Việt Nam hiện hành còn có một số quy định xử phạt riêng dành cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng mà có hành vi ở lại nước ngoài trái phép. Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định người nào có hành vi ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. 

Thực tế có nhiều trường hợp chưa có những hiểu biết về các hậu quả pháp lý mà họ sẽ phải chịu khi thực hiện hành vi ở lại nước ngoài trái phép. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cần có những hành động thích hợp hơn trong việc tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi ở lại nước ngoài trái phép. 

Tin cùng chuyên mục