Chế tài mạnh để chống thất thu ngân sách

Một trong những vấn đề đang được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII là tình trạng đóng băng, phá sản của hàng ngàn doanh nghiệp (DN), dẫn tới thất thu ngân sách, đòi hỏi Chính phủ phải có những chính sách, biện pháp kịp thời tháo gỡ.

Một trong những vấn đề đang được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII là tình trạng đóng băng, phá sản của hàng ngàn doanh nghiệp (DN), dẫn tới thất thu ngân sách, đòi hỏi Chính phủ phải có những chính sách, biện pháp kịp thời tháo gỡ.

Giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng (VAT) chính là một trong những cách thiết thực hỗ trợ DN, giúp tháo gỡ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng không thể giảm ngay xuống, vì sẽ giảm thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng. Những số liệu về giảm thu ngân sách mà lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đưa ra khá cụ thể, nhưng không thuyết phục bởi lẽ người dân nhìn thấy sự thất thu ngân sách lớn từ tình trạng lãng phí, tham nhũng cũng như do nạn trốn thuế ngày càng trầm trọng.

Có thể thấy tình trạng trốn thuế trong sản xuất kinh doanh, trong việc nộp thuế thu nhập cá nhân dẫn tới việc thất thu thuế ở nước ta hiện nay rất lớn. Chỉ riêng ở Đà Nẵng, tại hội nghị bàn về công tác chống thất thu thuế năm 2013 do Cục Thuế Đà Nẵng tổ chức, cho thấy năm 2012 Đà Nẵng đã thất thu thuế tới gần 30%, nếu tính chung trên cả nước thì số tiền thất thu thuế sẽ là một con số khổng lồ. Chỉ cần chúng ta giảm được 50% số thất thu thuế hiện nay, chắc chắn sẽ đủ để bù đắp cho việc giảm thuế thu nhập DN (mức phổ thông) từ 25% hiện nay xuống mức 20%, thậm chí có thể xuống mức 17%, cũng như giảm mức thuế VAT chung từ 10% hiện nay xuống mức 5%.

Chống thất thu thuế là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp, chính sách, cũng như nâng cao ý thức thực thi nghĩa vụ thuế của người dân. Ở nước ta, các hình thức xử lý việc trốn thuế còn quá nhẹ, dẫn tới sự bất công giữa những người đóng thuế đầy đủ và những kẻ trốn thuế. Nhiều DN làm ăn chân chính và đóng thuế đầy đủ đã phải phá sản vì không cạnh tranh được với các DN trốn thuế.

Để chống thất thu thuế, cùng với các biện pháp đồng bộ khác, biện pháp chế tài mạnh cần phải được thực thi là nâng số tiền phạt lên gấp 5 - 10 lần số tiền trốn thuế, kết hợp với xử lý hình sự (phạt tù, cải tạo lao động…). Số tiền phạt được nộp vào ngân sách dùng để chi cho công tác chống thất thu thuế như trả lương, huấn luyện, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên thuế, cấp kinh phí cho những công trình nghiên cứu về chống thất thu thuế. Đối với đội ngũ nhân viên ngành thuế, yếu tố quyết định việc chống thất thu thuế thành công hay thất bại là cùng với việc giáo dục đạo đức, trả lương xứng đáng với công sức của họ, cũng phải có những biện pháp chế tài hết sức nghiêm khắc: phạt tiền, yêu cầu bồi thường số tiền thất thu do sai sót của nhân viên thuế, cho thôi việc những nhân viên có biểu hiện tiêu cực: móc ngoặc, dung túng, tiếp tay cho các đối tượng trốn thuế…

NGUYỄN THỊ DUNG (Trường CĐ Công thương TPHCM)

Tin cùng chuyên mục