Chế tài xử lý hành vi phát tán virus máy tính

Trong những ngày qua, thế giới đã phải đối mặt với biến cố về công nghệ rất lớn xuất phát từ mã độc WannaCry.
Mục đích tấn công của kẻ phát tán mã độc WannaCry chủ yếu để tống tiền
Mục đích tấn công của kẻ phát tán mã độc WannaCry chủ yếu để tống tiền
Với khả năng lây lan nhanh, làm tê liệt hoàn toàn máy tính và hệ thống mạng, cũng như khả năng xóa sạch mọi dữ liệu của người dùng, thiệt hại do mã độc WannaCry gây ra rất lớn. Để ngăn chặn những hành vi phát tán virus máy tính, pháp luật Việt Nam đã có quy định việc chế tài xử lý. 

Điều 4 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 định nghĩa: “Virus máy tính là chương trình máy tính có khả năng lây lan, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số”. Điều 71 Luật Công nghệ thông tin nêu rõ, các cá nhân, tổ chức không được tạo ra, cài đặt, phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi như: Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số; thu thập thông tin của người khác; xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số; ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết; chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số; thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số; và các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng. 

Nếu có hành vi phát tán virus máy tính, hoặc phần mềm gây hại, hoặc đoạn mã gây hại, để thực hiện một trong những hành vi nêu trên, chủ thể có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt 40 - 50 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 4 Điều 54 Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn, chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Để giúp cho việc xử lý đối với hành vi này đúng người, đúng tội, các bộ ngành chức năng đã cụ thể hóa Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 1999 tại Thông tư liên tịch số 10/2012. Theo đó, người nào cố ý lan truyền chương trình virus, chương trình tin học nhằm gây rối loạn hoạt động, phong tỏa, sao chép, làm biến dạng, hủy hoại các dữ liệu của máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị số, thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “phát tán virus, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”. 

Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, tức gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm nếu hành vi phạm tội thuộc trường hợp hành vi có tổ chức, gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc tái phạm nguy hiểm. Trong trường hợp gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc thực hiện hành vi phạm tội đối với những nơi trọng yếu như: hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh - quốc phòng; cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; tài chính, ngân hàng; điều khiển giao thông..., thì có thể bị phạt tù 5 - 12 năm. Ngoài việc gánh chịu một trong các hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như: phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.

Tin cùng chuyên mục