
Hội đồng nhân dân phường là cơ quan quyền lực địa phương gần và sát dân nhất. Thế nhưng, chính những người được dân bầu ra và là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân lại than rằng mình “bất lực”…
Ám ảnh khi tiếp xúc cử tri
Ông Hà Sơn, Chủ tịch HĐND phường Tân Qui, quận 7 phản ảnh với Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Những công trình cấp thành phố trên địa bàn thi công trì trệ kéo dài gây ách tắc sinh hoạt, làm đảo lộn 1800 cuộc sống của người dân. Thế nhưng, khi người dân gửi kiến nghị lên đại biểu HĐND phường – cấp gần dân nhất – thì các đại biểu chỉ biết ghi nhận, ghi nhận và ghi nhận. Bởi mọi kiến nghị từ phường đều phải lên cấp quận rồi mới đến thành phố.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐND phường 22, quận Bình Thạnh - một điểm nóng về đền bù giải tỏa từ nhiều năm nay - dẫn chứng: Những kiến nghị của cơ quan dân cử cấp phường nếu được trả lời thường phải tới… nửa năm! “Các đại biểu HĐND cấp phường không khéo trở thành họ… Hứa hết” – ông kết luận.
Đại biểu HĐND phường 22 Nguyễn Kim Ngọc cảnh báo: “Điều nhức nhối nhất của đại biểu cấp phường là: người dân thưa dần qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vì họ bảo mấy ông hội đồng phường, chẳng giải quyết được gì!”. Có rất nhiều dẫn chứng của đại biểu nêu ra về việc chẳng giải quyết được gì, nhưng đáng chú ý là dẫn chứng của ông Phan Huân, 2 nhiệm kỳ làm đại biểu HĐND phường 22, Bình Thạnh: “Hơn 10 năm nay, người dân ở khu phố 1 không được sửa nhà cửa, trong khi đó trời không mưa thì khu vực này cũng ngập nước tới thắt lưng. Nhiều lần bà con đưa kiến nghị cho HĐND phường, nhiều lần đại biểu đi tiếp xúc nghe cử tri phản ảnh rát mặt mà không biết trả lời với bà con như thế nào”.
Người cán bộ hưu trí 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng còn hăng hái cống hiến vì một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng cảm thấy… bất lực.
Vì sao hiệu lực của HĐND phường giảm?
Đại biểu HĐND phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 Nguyễn Thanh Vân đúc kết kinh nghiệm: Để bà con thấy quyền lực của “ông bà HĐND cấp phường” thì những việc liên quan đến dân thuộc phạm vi giải quyết của phường như mở rộng, nâng cấp hẻm, tác động các cơ quan chức năng để sớm có đồng hồ điện, nước, phải ưu tiên “đeo bám” UBND phường. Và nếu UBND có hẹn cũng phải yêu cầu thời gian rõ ràng, cụ thể.
Tỏ ý tán đồng, Chủ tịch HĐND phường Đa Kao Đặng Thị Xuân Hương nói thêm: Văn bản kiến nghị do HĐND phường chuyển đến, các cơ quan chức năng trả lời rất chậm. Đó là nguyên nhân không nhỏ làm giảm hiệu lực của HĐND cấp phường. “Thực tế hiện nay, cử tri thường chỉ quan tâm đến việc giải quyết các kiến nghị liên quan đến đời sống hàng ngày. Do vậy, giải quyết các kiến nghị của dân là thể hiện trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với dân” – ông Lê Minh Hiệp, Chủ tịch HĐND phường Cầu Ông Lãnh nói.
Ông Lê Thanh Ngữ, Chủ tịch HĐND phường Bến Thành đặt vấn đề: HĐND là cơ quan quyền lực địa phương, do vậy vừa đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân và cũng vừa là nơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách. Thế nhưng, muốn làm được trách nhiệm đó, các đại biểu HĐND phải có quyền được thông tin. Sự kiện phân luồng ngã sáu Phù Đổng hai năm trước đây, HĐND không hề được thông tin. Thế nên, HĐND cũng “bó tay” khi bà còn cử tri chất vấn.