(SGGP). – Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến trình QH biểu quyết thông qua vào ngày 19-6 tới sẽ có một số thay đổi quan trọng so với bản trình của Chính phủ vào đầu kỳ họp.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho biết, một điểm đáng lưu ý là, dự thảo luật trình QH thông qua sẽ không đặt vấn đề sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (khoản 2 Điều 19). Như vậy, báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; các dự án chỉ được phê duyệt cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tại dự thảo trình QH phê duyệt sẽ không sửa đổi nội dung thẩm định, quyết định đầu tư dự án, đầu tư xây dựng công trình tại Luật Xây dựng. Ban đầu, Điều 39 dự thảo luật sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư sau khi được QH thông qua chủ trương; Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại.
Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, nhiều ĐBQH đóng góp ý kiến rằng, tiêu chí về quy mô và nguồn vốn chỉ là 1 trong 5 tiêu chí quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của QH (các tiêu chí khác gồm: quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù).
Đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia, nếu Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho các bộ, UBND cấp tỉnh thì khó khả thi, vì dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Như vậy, vẫn giữ quy định đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia, sau khi QH quyết định chủ trương đầu tư, cần phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì mới có thể triển khai thực hiện.
A. PHƯƠNG