Chìa khóa hội nhập của người nông dân

Vừa qua, tại tỉnh Tiền Giang, Công ty SGS Việt Nam đã trao giấy chứng nhận Global GAP (Good Agricultural Practices - sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế) do tổ chức JAS-ANZ cấp, có giá trị toàn cầu, cho HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của vùng ĐBSCL và là sản phẩm thứ hai trong cả nước được cấp chứng nhận Global GAP. Đối với những người trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nói riêng và những người tâm huyết với nền nông nghiệp nước nhà nói chung thì đây là một sự kiện thật đáng mừng.

Chúng ta đều biết thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam thời kỳ vào WTO, hội nhập quốc tế chính là khả năng cạnh tranh. So với các nước trong khu vực, ta có hai bất lợi chính trong cạnh tranh: quy mô sản xuất nhỏ của kinh tế nông hộ và trình độ thấp của công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Hệ quả của những bất lợi này sẽ là nguy cơ phá sản của nông dân sản xuất nhỏ và không thể nâng cao thu nhập cho nông dân vì sản xuất với giá thành cao và chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng được yêu cầu thị trường thế giới.

Trong khi đó, nhìn sang một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, nhờ ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, các sản phẩm được “dán tem” đảm bảo chất lượng nên sản phẩm bán ra của họ luôn có giá trị cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam.

Những tác động lớn của việc gia nhập WTO đối với nông nghiệp Việt Nam là việc phải đối mặt những tiêu chuẩn bắt buộc cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng nông sản; cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế về chất lượng, giá cả ngày càng tăng.

Hội nhập vào WTO, để tồn tại và phát triển, không có cách nào khác là người nông dân phải chủ động tổ chức lại hệ thống sản xuất, thị trường và đặc biệt phải tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế được tuyển chọn ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn giống, đến áp dụng kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến…

Người nông dân cần phải biết rõ sản phẩm của mình sẽ bán ở đâu, với phương thức thế nào, giá cả bao nhiêu, yêu cầu chất lượng sản phẩm ra sao? Đây là vấn đề rất quan trọng, thiết thực để nông dân chủ động trong hoạch định và tổ chức sản xuất.

Trong xu thế cạnh tranh như vậy, việc trang bị cho nông dân những kiến thức và kỹ năng để áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt GAP là rất cần thiết và có thể nói đó chính là chìa khóa then chốt, là cách thực tế nhất để người dân hiểu rõ thế nào là tác động của việc gia nhập WTO, và làm thế nào để gia nhập WTO, để hội nhập thành công.

Hy vọng sự kiện Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Tiền Giang nhận chứng chỉ GAP sẽ là động lực thu hút các hợp tác xã, các nông trường và các hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác trên cả nước đi theo hướng đi này, vì lợi ích trước hết của người nông dân. Nhà nước cũng cần hỗ trợ tích cực cho người nông dân để họ thấy rằng, gia nhập WTO cũng có phần đóng góp và trách nhiệm của họ.

Nguyễn Ngọc Hùng (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục