Chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của KS Nguyễn Văn Thước trong bài viết “Làm gì để chống nạn cướp nghêu?” đăng trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ngày 21-2-2012. Tình trạng cướp nghêu đã xảy ra tại các bãi nuôi nghêu giống và nghêu thương phẩm các tỉnh ven biển Nam bộ khá lâu rồi. Chính vì sự thiếu kiên quyết ngăn chặn của các cơ quan chức năng mà hành vi này ngày một lộng hành. Nếu không ngăn chặn được, hành vi phạm pháp tập thể có tổ chức này sẽ ngày càng lan rộng sang các địa phương khác và sang các lĩnh vực khác.

Con nghêu từng mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần xóa nghèo tại nhiều xã duyên hải. Nhưng cũng chính con nghêu đã làm xáo động, gây xung đột, mâu thuẫn ở những vùng biển vốn dĩ hiền hòa, thân thiện. Lỗi không phải ở con nghêu, mà do những yếu kém của trong công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chuyện về những vụ cướp nghêu cũng từng xảy ra ở nhiều bãi nghêu các tỉnh phía Bắc. Ban đầu, các bãi này là bãi hoang, người dân tự do đến bắt nghêu mưu sinh. Sau đó, có những cá nhân tự khoanh vùng nuôi thả, rồi các địa phương bắt đầu quản lý, cho đấu thầu. Doanh nghiệp, tập thể, hoặc ai đó nhiều tiền, nhanh chân, có quan hệ mới được quyền nuôi, thu hoạch. Trong tiến trình đó cũng đã phát sinh không ít tiêu cực, thiếu công bằng.

Sự mất lòng tin vào những người quản lý hợp tác xã, sự nghi kỵ trong nội bộ đã làm cho nhiều xã viên các hợp tác xã quay sang tiếp tay cho nhóm người manh động cướp nghêu, thay vì bảo vệ tài sản của tập thể và của cá nhân mình. Việc thương lái có thể ngang nhiên mua bán số nghêu có được một cách bất hợp pháp đã kích thích lòng tham của những người dân ít hiểu biết pháp luật. Thiết nghĩ, để giải quyết nạn cướp nghêu, các địa phương hay xảy ra tình trạng này cần thấy rõ nguyên nhân sâu xa và tìm biện pháp hợp tình, hợp lý để khắc phục.

Để tạo công ăn việc làm, nguồn sống cho người dân, nên mời gọi nhiều đơn vị ký hợp đồng khai thác hay mua lại nghêu của người dân. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chủ bãi cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ, thu hoạch hợp lý. Quan hệ hài hòa, sự chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận từ con nghêu ngày càng được củng cố sẽ là điều kiện đảm bảo cho tình trạng manh động cướp nghêu không tái diễn. 

PHẠM TRẦN NGỌC DIỆP
(Tân Thành, Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục