Chiếm lòng đường làm nơi sửa ô tô

Tùy tiện quá đáng
Chiếm lòng đường làm nơi sửa ô tô

Chị Nguyễn Thu Hà (quận 12) gọi Đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Trời mưa tầm tã nên tầm quan sát không rõ, tôi chạy xe máy trên quốc lộ 1A từ An Lạc về nhà, bỗng ngay phía trước một tiệm sửa ô tô có một xe tải đậu chiếm làn đường xe máy để sửa chữa, khiến tôi hốt hoảng. Tuy thắng kịp lúc nhưng xe tôi vẫn đâm sầm vào xe tải, may mà không bị thương”. Tại TPHCM, trong điều kiện thiếu mặt bằng làm bãi sửa ô tô, nhiều tiệm sửa ô tô chiếm dụng lòng đường hoặc trả phí đậu xe để tận dụng lòng đường làm nơi sửa ô tô.

Một tiệm sửa ô tô trên quốc lộ 1A (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) đậu xe chiếm làn đường xe máy.

Một tiệm sửa ô tô trên quốc lộ 1A (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) đậu xe chiếm làn đường xe máy.

Tùy tiện quá đáng

Quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch, lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn, vậy mà đoạn ngang qua các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân đang bị hàng trăm tiệm sửa ô tô chiếm dụng làn đường dành cho xe máy để sửa xe. Thậm chí ngay cả đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương - TPHCM cũng có nơi bị chiếm dụng làm nơi rửa và sửa ô tô. Làn đường dành cho xe máy chỉ rộng hơn 3m, có biển cấm ô tô dừng đậu ngay đầu đường, nhưng các tiệm sửa ô tô vẫn phớt lờ, cứ đậu cả dãy ô tô, khiến người chạy xe máy khó khăn khi qua đây và bị khuất tầm nhìn. Người sửa xe cứ thản nhiên tuôn nhớt thải chảy lênh láng ra mặt đường, gây nguy hiểm cho người đi xe máy.

Để mở tiệm sửa ô tô dọc tuyến đường này, không cần phải tốn tiền thuê mặt bằng rộng, chỉ cần mặt bằng chừng 30m2 để treo bảng hiệu, chứa dụng cụ đồ nghề, rồi tận dụng vỉa hè và lòng đường làm mặt bằng sửa xe. Một chủ tiệm sửa ô tô ở phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân phân trần: “Biết là có biển cấm dừng đậu ô tô, nhưng cảnh sát giao thông cũng khó xử phạt được bởi vì xe của người ta hư, không chạy được, đang phải sửa mà. Bắt buộc phải đậu để sửa thôi”.

Biển cấm không tác dụng

Trong nội thành, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường làm bãi sửa ô tô cũng diễn ra ở khá nhiều nơi, thậm chí ở ngay các vòng xoay cũng có nhiều xe xếp hàng đậu dưới lòng đường để sửa chữa, khiến phương tiện giao thông ùn tắc. Vòng xoay Lăng Cha Cả là điểm nóng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, nhưng lại có 2 tiệm sửa ô tô Sáu Được và 200, ngang nhiên chiếm dụng lòng lề đường làm bãi sửa ô tô. Cũng giống như những tiệm sửa xe trên quốc lộ, chỉ cần diện tích mặt bằng 30m2 là có thể mở tiệm sửa ô tô. Dù cách 2 tiệm sửa ô tô này khoảng 10m có biển báo cấm dừng đậu ô tô nhưng biển cấm không tác dụng. Giờ tan tầm, đông đúc xe cộ lưu thông qua đây nhưng xe đậu để sửa chữa vẫn chiếm làn đường của xe máy. Do vậy, người chạy xe máy phải chạy vào làn đường dành cho ô tô, gây nên cảnh hỗn độn kẹt xe giờ cao điểm. Tình trạng này cứ diễn ra ngày này sang ngày khác nhưng chẳng hiểu sao không thấy cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự xử lý, chấn chỉnh.

Đường Lý Thái Tổ chỉ dài hơn 500m nhưng có hơn 20 tiệm sửa ô tô. Hầu hết các tiệm này cũng không cần mặt bằng rộng, chỉ cần chiếm làn đường xe máy để làm bãi đậu và sửa chữa xe. Đường Lý Thái Tổ có biển cấm dừng nên các tiệm sửa xe đều phải cho khách hàng ngồi trên xe để không bị cảnh sát giao thông phạt. Trong khi đó, đường An Dương Vương và Hồng Bàng có thu phí bãi đậu nên các tiệm sửa ô tô chỉ cần tốn tiền phí đậu xe là có thể công khai tận dụng lòng đường làm bãi sửa chữa ô tô.

Lòng đường bị chiếm dụng hết nên xe buýt đến trạm đều phải đậu giữa đường, không tấp vào sát lề được. Cảnh hành khách chờ xe buýt phải đứng ra lòng đường để đón đã trở thành quen thuộc với nhiều tuyến đường.

Để đảm bảo an toàn giao thông, lập lại trật tự lòng lề đường và mỹ quan đô thị, chính quyền các địa phương và cảnh sát giao thông nên khẩn trương kiểm tra, xử phạt những tiệm sửa ô tô chiếm dụng lòng lề đường làm bãi sửa xe. Đối với những tiệm có diện tích quá nhỏ, không có mặt bằng làm bãi đậu sửa ô tô thì phải rút giấy phép hoạt động.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đối với người điều khiển ô tô vi phạm lỗi dừng đậu sai quy định, mức xử phạt áp dụng trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt là từ 600.000 đến 1 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 30 ngày.

Hải Thanh

Tin cùng chuyên mục