Chính sách thi cử: Cần ổn định

Cuối cùng, Bộ GD-ĐT đã quyết định chưa tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như đã hứa, mà sẽ vẫn duy trì 2 kỳ thi như lâu nay vào năm sau. Đặc biệt là trong buổi họp báo vào ngày 25-6 vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT cũng chưa thể khẳng định là liệu năm học tới có tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi cụm và chấm chéo như năm nay nữa hay không.

Với những thông tin này thì quả thật không ngoa khi nói rằng cách làm việc của bộ là hoàn toàn không có tính khoa học, bởi hình như bộ chỉ giải quyết sự việc theo từng năm, chứ không theo một chiến lược hay lộ trình nào cả.

Quả thật, khi nhìn vào cách tổ chức thi cử của chúng ta trong những năm gần đây, hầu như không có năm nào giống với năm nào. Mỗi năm bộ lại có một vài thay đổi và hình như những thay đổi đó đều mang tính chất thí điểm, trong đó các học sinh gần như bị biến thành vật thí nghiệm của các ý tưởng từ bộ.

Sự thay đổi liên tục cách thi cử và chấm thi như những năm gần đây, thật khó đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo của các địa phương, bởi không thể so sánh thành tích của những kỳ thi được tổ chức và chấm không theo cùng một quy cách.

Chẳng hạn do năm nay cách tổ chức thi cụm, chấm chéo nên một số địa phương có tỷ lệ học sinh đạt cao, một số tỉnh khác thì bị giảm. Tuy nhiên, nếu năm sau bộ lại thay đổi cách thi, cách chấm thi thì có thể tỷ lệ sẽ lại đảo ngược và do đó không thể nói là chất lượng dạy và học của các địa phương là tăng hay giảm so với năm trước được, từ đó các địa phương khó mà có thể đưa ra các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dạy và học cho địa phương mình.

Sự thay đổi xoành xoạch hình thức thi và chấm thi còn gây ra nhiều sự hoang mang và lo lắng cho học sinh cũng như phụ huynh, bởi họ không biết “số phận” của mình hoặc con cái mình sẽ được bộ quyết định như thế nào. Đặc biệt là thời gian bộ công bố hình thức thi, môn thi, cách thức chấm cũng thường là rất cận kề với ngày thi, nên các học sinh không còn đủ thời gian để chuẩn bị tinh thần cũng như xây dựng một “chiến lược học tập” thích hợp để có thể đạt được kết quả tốt trong kỳ thi.

Chính vì vậy chúng tôi đề nghị khi quyết định về chuyện thi cử của học sinh, Bộ GD-ĐT cần phải có những suy nghĩ thật thấu đáo, phân tích mọi khía cạnh của vấn đề để đưa ra được một chính sách thi cử thích hợp và ổn định trong nhiều năm. Không thể cứ mỗi năm lại ban hành một cách thi và chấm thi như hiện nay được, vì điều đó làm giảm uy tín về khả năng tư duy của bộ, gây ra những ảnh hưởng không tốt đến các học sinh cũng như toàn xã hội.

Muốn vậy, bộ có thể huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ bên ngoài để cùng giúp sức trong việc nghiên cứu các hình thức thi cử, đặc biệt là cần phải có những nghiên cứu thật kỹ lưỡng về các hình thức thi và chấm thi, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng loại và những nghiên cứu này cần phải được phản biện nghiêm túc, để từ đó bộ có thể ban hành được phương thức tổ chức thi và chấm thi khoa học và ổn định.

Lê Minh Tiến

Tin cùng chuyên mục