Thực hiện “lời hứa” chưa đạt yêu cầu

Thực hiện “lời hứa” chưa đạt yêu cầu

(SGGPO).- Sáng nay, 17-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,2%; tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 14,4% năm 2012 và 12,7% năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 84%, tăng 2% so với năm 2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lã Anh 

Chính phủ đã triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp gồm: nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Rà soát quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững rừng nguyên liệu tập trung. Tăng cường bảo vệ rừng, vùng sinh quyển gắn với phát triển du lịch. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn. Phấn đấu đến năm 2017 có 235.000 ha rừng sản xuất có thể khai thác sản phẩm.

Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, từng bước hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm. Tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Triển khai thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm ngư…

Sẽ trình Đề án cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp

Về rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế, Chính phủ nêu đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai; đã thành lập Ban Chỉ đạo ở các bộ, ngành, địa phương; phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.

Về tiền lương, phụ cấp công vụ và chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, báo cáo nêu rõ, từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1-1-2015. Đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn để thực hiện nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Đề án vào thời điểm thích hợp.

Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP

Về bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ, báo cáo cho biết, đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách Nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách Nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3.500 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu. Việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

ĐBQH bức xúc vì Chính phủ thực hiện “lời hứa” chậm

Đa số ĐBQH hoan nghênh việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, vì có cơ hội để ĐB trao đổi lại với các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các lời hứa trước cử tri. Những ý kiến phát biểu sáng nay đều cho thấy, ĐBQH ghi nhận những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, trong đó đặc biệt nhân dân rất hoan nghênh các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng chỉ ra sự thiếu phối hợp, đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc triển khac các giải pháp, lạm hạn chế hiệu quả thực hiện.

Công tác quản lý Nhà nước luôn đi sau?

Cho rằng, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu những việc đã làm, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ thống kê những việc đã làm nhưng cần đánh giá hiệu quả, nhất là hiệu quả quản lý Nhà nước nói chung, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết, chương trình, mục tiêu trong thực tiễn. “Tại sao có nhiều việc khi thực tiễn xảy ra thì mới có chỉ đạo, rà soát?. Cứ một con tàu chìm thì rà soát tàu; một cầu treo sập thì rà soát cầu treo... Như vậy là công tác quản lý Nhà nước luôn đi sau”, ĐB Châu nói. Cũng theo ĐB Phạm Đức Châu, các chương trình, mục tiêu, dự án... cái nào cũng hay, nhân văn nhưng thực hiện không hiệu quả bao nhiêu, nhất là ở khu vực nông nghiệp, đồng bào dân tộc. ĐB đề nghị Chính phủ cần đánh giá chất lượng việc triển khai. Qua đó phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là chính quyền các cấp. Các bộ ngành TƯ cũng cần thận trọng trong đưa ra quyết định của mình, vì cứ đưa ra rồi lại sửa, gây dư luận không tốt.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Lã Anh

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, tất cả giải pháp Chính phủ làm thiếu tính đồng bộ, phối hợp. Trong công tác tham mưu cho Chính phủ, nhiều vấn đề không sát thực tế. “Như vấn đề cai nghiện ma túy, chỉ khi Thủ tướng họp xem xét đề nghị của TPHCM thì mới trình ra Quốc hội để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn được”, ông Lịch nói.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cũng đồng tình, nhiều lĩnh vực phối hợp quản lý chưa đồng bộ. 107 ngày qua, giá xăng giảm 3 lần. Nhưng cách đây 2 ngày, một số hiệp hội mới rục rịch làm đơn giảm giá vận tải. Như vậy là thiếu đồng bộ.

Nông nghiệp là lợi thế lớn nhất nhưng chưa được quan tâm nhiều

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn được nhiều ĐB tập trung phát biểu. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nông nghiệp. Nhưng dường như chúng ta chưa đặt bài toán phát triển này một cách tổng thể. “Bộ NN-PTTT đã đưa ra đề án tái cơ cấu, rất hoan nghênh, nhưng chỉ bộ làm thì không giải được bài toán được giá mất mùa và ngược lại”, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn. Theo ông, giải bài toán nông nghiệp trong kinh tế thị trường phải cả 3 vấn đề là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai (bán ở đâu), bằng cách nào (có sản phẩm tốt, giá rẻ). Nhưng những điều này hiện nay vẫn chỉ dừng ở “nói thì hay nhưng làm chưa được”.

ĐB Trần Du Lịch ví dụ, tại sao mỗi năm cần 6 triệu tấn ngô để chăn nuôi nhưng chúng ta chủ yếu phải nhập vì ngô sản xuất trong nước cao hơn về giá (nhập khẩu khoảng 5.600 đồng/kg nhưng sản xuất trên 6.000 đồng/kg), tức là không quan tâm đến phương thức sản xuất. “Chúng ta có lợi thế về nông nghiệp nhưng nông dân vẫn nghèo vì không giải được bài toán về giá, tức là sản xuất bằng cách nào. Vấn đề ngư nghiệp cũng vậy, đã quy hoạch 5 trung tâm hậu cần nghề cá nhưng triển khai rất chậm. Tại sao không bán khách sạn ở TPHCM, Hà Nội để làm trung tâm nghề cá, đâu cần đi vay tiền? Có thể làm được không, có nhận thức được vậy không? Chúng ta phải làm bằng biện pháp cụ thể”, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn.

Đặc biệt về vấn đề lớn là an ninh lương thực, theo ĐB Lịch, có cần duy trì lượng gạo này không khi mà cả thế giới chỉ cần khoảng 10% gạo xuất khẩu, còn lại tự cấp tự túc. “Nói vậy để thấy nếu không giải quyết những vấn đề chung này thì không thể giải quyết các vấn đề riêng rẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông dân chịu rủi ro về tự nhiên và thị trường. Ở các nước, người ta giúp nông dân bảo hiểm về rủi ro tự nhiên, còn bảo hiểm thị trường thì do doanh nghiệp chịu. Vấn đề này không chỉ bộ NN-PTNT làm để giảm rủi ro cho nông dân. Chính phủ cần quan tâm trong chỉ đạo về nông nghiệp, có định chế để chấm dứt việc được mùa mất giá, được giá mất mùa.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng cho rằng, thu hút đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, vì vậy Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. “Vấn đề tiêu thụ nông sản vẫn ách tắc, nông dân vẫn đang tự bơi. Cần có chính sách quyết liệt hơn để đảm bảo bà con có lãi 30%”, ông Tính nói.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bức xúc vì sự chậm trễ của Chính phủ việc trong chậm ban hành cơ chế đặc thù đối với bà con dân tộc nơi tái định cư thủy điện. Vấn đề này đã được nêu ra từ kỳ họp thứ 4. Từ đó, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có yêu cầu giao Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách này, nhưng từ năm 2013 đến nay đều không có. “Kỳ họp thứ 6 Thủ tướng khẳng định Bộ Công thương đã báo cáo và Chính phủ sẽ ban hành. Nhưng qua 4 kỳ họp, chính sách này vẫn chưa có. Chậm trễ là do sự thiếu phối hợp, lúc thì giao Bộ Công thương, lúc thì Bộ NN-PTNT”, ĐB Nguyễn Thái Học chỉ ra.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Thái Học, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 4,7%, ở nơi thủy điện còn cao hơn, như ở Phú Yên là trên 80%. Bà con đang mong mỏi chính sách đặc thù của Chính phủ để vươn lên thoát nghèo. “Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT phải trả lời rõ điều này, xin được khẳng định là trong năm 2014 có ban hành hay không. Cả 2 bộ đều báo cáo đã trình Chính phủ, vậy Chính phủ có đồng ý không thì cần khẳng định rõ cho cử tri”, ĐB Nguyễn Thái Học truy.

An toàn vệ sinh thực phẩm: “Xấu” hơn cả nợ công

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bức xúc: Kỳ họp thứ 7 ông đã chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề hàng gian, hàng giả, kém chất lượng nhập lậu đã gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, người sản xuất, sức khỏe nhân dân. “Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã tất bật đến các tỉnh để chỉ đạo chống buôn lậu, vì vậy tín nhiệm được nâng cao. Nhưng trong báo cáo của Bộ Công thương cho thấy tình hình này vẫn xảy ra rất trầm trọng. Người dân ăn uống phải thực phẩm không an toàn, đi cấp cứu thì gặp thuốc giả. Họ rất bức xúc, đau lòng. Đây là nợ đọng, nợ xấu còn đáng sợ hơn nợ công. Chính phủ cần giải quyết bài toán này”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Lã Anh

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng nêu, chống buôn lậu đã quyết liệt hơn, nhưng vật tư phân bón thuốc trừ sâu giả vẫn tràn lan trên thị trường. Nhân dân rất bức xúc. Chính phủ cần quyết liệt hơn trong lĩnh vực này để nông dân yên tâm sản xuất. Đây là vấn đề đã nêu từ lâu nhưng tình hình chuyển biến chậm. Năm 2014 số vụ thanh tra, kiểm tra về nội dung này chỉ có vài vụ, lại thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành.

Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải sa thải cán bộ yếu kém

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu, cử tri rất bức xúc về vấn đề cải cách hành chính khi mà cải cách hành chính mới chỉ cải cách về thủ tục, còn quan trọng nhất là giảm bộ máy, giảm biên chế thì không làm được, thậm chí bộ máy ngày càng phình ra, nhất là cấp phó nhiều quá. “Có nơi số trưởng - phó phòng nhiều hơn nhân viên. Thứ trưởng cũng nhiều quá. Chỉ nên có 1- 2 cấp phó thôi, để cấp trưởng họ làm. Đề nghị phải đẩy mạnh giảm bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, vì hiện nay nhân dân kêu lắm. Theo ông, cần xác định vị trí việc làm một cách rõ ràng, bởi hiện nay công chức “sáng cắp ô đến, chiều cắp ô về” quá nhiều. Cần hạn chế tình trạng tuyển vào nhiều rồi ngồi ỳ đó. Chúng ta bảo vệ lợi ích cán bộ hay người dân? Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì phải sa thải cán bộ yếu kém.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Về vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN), ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, quyết tâm thì lớn nhưng hiệu quả chưa cao, trong đó có yếu tố con người và niềm tin. “Một ông quản gia dinh Bảo Đại từ năm 1949 đến năm 1975 bàn giao tài sản cho cách mạng mà không mất cái gì. Còn nay biết bao tài sản của Nhà nước giao cho cán bộ quản lý thì cứ mất dần mất mòn. Đó là do yếu tố con người”, ông Thuyền nói.

Còn về yếu tố lòng tin, phản bác ý kiến có người nói “cán bộ không bao giờ đòi hối lộ, tại dân cứ đưa”, ĐB Thuyền nêu: Vì sao dân phải đưa, vì dân mất lòng tin. “Vì nếu không đưa tiền thì không được việc. Bệnh nhân đưa tiền vì sợ bác sĩ không nhiệt tình; cán bộ đưa tiền để chạy việc, chạy chức vì sợ nếu không thì có người khác chạy mất. Vì họ mất lòng tin nên cứ phải đưa tiền. Chúng ta phải xây dựng lòng tin cho dân cho cán bộ, không thì tiêu cực mãi tràn lan. Vì vậy, nếu PCTN mà không xây dựng lòng tin thì dân cứ đưa tiền, vẫn còn tiêu cực. “Cái này khác với lộc của “quan”, lộc của quan khác với ăn chặn của dân”, ông Thuyền nói.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục