Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hiệu quả chưa cao

Những vấn đề “nóng” liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chống buôn lậu, gian lận thương mại, thị trường bán lẻ... là tâm điểm của buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hiệu quả chưa cao

Những vấn đề “nóng” liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chống buôn lậu, gian lận thương mại, thị trường bán lẻ... là tâm điểm của buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

CNHT vẫn phụ thuộc nước ngoài

ĐB Đồng Hữu Mạo nêu: Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã phê duyệt chiến lược CNHT đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 xác định CNHT là khâu đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và năm 2011 đã ban hành chính sách phát triển CNHT. “Nhưng sau nhiều năm CNHT chưa có gì đáng kể. Có phải Việt Nam thiếu chính sách thúc đẩy phát triển CNHT? Trách nhiệm thuộc về ai?”, ĐB Đồng Hữu Mạo chất vấn. Còn ĐB Huỳnh Ngọc Đáng thẳng thắn, phải chăng sự yếu kém của CNHT là do thiếu sự tập trung trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc phát triển CNHT đã có chính sách, đã có sự quan tâm, nhưng do cấp độ pháp lý còn thấp chưa đạt yêu cầu, chưa có nghị định, thậm chí có ĐB đã cho rằng cần có luật về vấn đề này, do vậy, chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển. Mặt khác, CNHT chưa phát triển cũng do quy mô thị trường chưa đủ lớn; trong xu thế thương mại hóa toàn cầu hiện nay, các công ty đa quốc gia thường sử dụng các vệ tinh của họ nên với những nước đi sau việc chen chân vào chuỗi giá trị là khó khăn; đòi hỏi nhân lực có chất lượng cao nhưng đây lại là điểm yếu của Việt Nam. Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành dự thảo nghị định về vấn đề này nhằm bao quát, bám sát hơn các nội dung liên quan và mong muốn năm 2015 Quốc hội sẽ ban hành luật về CNHT để thể chế hóa các chính sách về phát triển CNHT.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Về câu hỏi của các ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về nội địa hóa và sự phát triển èo uột của ngành điện tử, ô tô…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, xét trong từng ngành khác nhau thì tỷ lệ nội địa hóa có khác nhau. Chẳng hạn như tỷ lệ nội địa hóa ô tô khách là 40%; xe tải chuyên dụng 70%... song ô tô con tỷ lệ nội địa hóa thấp, chỉ khoảng 10%, điện thoại di động 15%. Và đó chính là điểm chưa thành công.

Để phát triển CNHT thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đang “chờ mong” Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sửa đổi ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với CNHT trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Cùng với đó, Bộ Công thương đã trình Chính phủ các biện pháp phát triển ngành này. Trong đó, nội dung tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ về vốn với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi khởi nghiệp trong CNHT thông qua mô hình tương tự quỹ hỗ trợ CNHT; hỗ trợ tiếp cận thị trường, đào tạo cán bộ quản lý…

Không cam kết, chỉ nỗ lực, cố gắng

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Nhận khuyết điểm vì chỉ trồng được 10% rừng thay thế

Hầu hết chính sách về trồng rừng thay thế diện tích mất do thủy điện đã được ban hành. Nhưng 76.000ha cần trồng thì mới trồng được 6.000ha, các doanh nghiệp mới chỉ nộp thay thế 14 tỷ đồng. Như vậy là rất chậm. Việc này cũng là trách nhiệm của các địa phương, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Bộ NN-PTNT. Về quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, Bộ NN-PTNT xin nhận trách nhiệm, dù đã trình đề án lên Chính phủ nhưng đang chờ thẩm định về tác động môi trường. Khuyết điểm của bộ là thúc đẩy không quyết liệt, nhưng xin phép Chính phủ, Quốc hội, vấn đề này phải làm thận trọng, không thể cứ xây dựng ra những vùng nông nghiệp công nghệ cao rồi để đó, không hiệu quả.

 

Một vấn đề trọng tâm khác được nhiều ĐB quan tâm là hàng giả, hàng kém chất lượng. ĐB Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh, những mặt hàng trong nước sản xuất, tiêu thụ được nhưng nạn hàng gian, hàng giả, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến. “Bộ trưởng có cam kết từ nay đến cuối 2015 tình trạng trên có giảm?”, ĐB Nguyễn Thị Khá chất vấn.

Thừa nhận hàng giả đang là thực trạng nhức nhối nhiều năm nay và các lực lượng chức năng có cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi đến ĐB trước khi lấy phiếu tín nhiệm đã nhận trách nhiệm về những tồn tại này. Hạn chế đó xuất phát từ quản lý thị trường nhưng cũng còn có trách nhiệm của các lực lượng liên quan khác như tài chính, công an, quốc phòng. “Hiệu quả chưa cao” thể hiện ở các vụ vi phạm năm sau cao hơn năm trước: 10 tháng đầu năm tăng 12% - 14% so với cùng kỳ - và diễn biến vẫn phức tạp. Nguyên nhân còn do độ mở nền kinh tế lớn nên một số đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng đưa hàng chất lượng kém vào tiêu thụ; công cụ kiểm tra yếu, thiếu nên hiệu quả đấu tranh không cao; đội ngũ có tiêu cực; việc phối hợp với địa phương có những nơi chưa đều… Chẳng hạn như, do thiếu thiết bị kiểm nghiệm đánh giá chất lượng nên đã có việc đánh giá chất lượng phân bón nhiều nơi quản lý thị trường phải thử bằng miệng nên hiệu quả chưa cao. Lực lượng quản lý thị trường thuộc sở công thương và thuộc UBND tỉnh, thành phố nên cán bộ, tổ chức bộ máy do địa phương quyết định. Do đó, sự vào cuộc của các địa phương là quan trọng trong công tác này. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cam kết năm 2015 giảm bao nhiêu phần trăm là khó nhưng bộ sẽ hết sức nỗ lực, cố gắng và chắc chắn tình hình sẽ cải thiện.

Câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không làm ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thỏa mãn. Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm các địa phương để tình trạng buôn lậu phức tạp nhưng thực tế chưa có ai bị cách chức. Đội ngũ chống buôn lậu nhiều tầng nấc, nhưng chưa hiệu quả và bộ đã kiến nghị xử lý bao nhiêu trường hợp? Phản hồi tiếp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc này không nắm cụ thể vì việc chống buôn lậu liên quan đến nhiều lực lượng khác. Trách nhiệm của cơ quan trung ương là phát hiện và đề nghị địa phương xử lý và từ năm 2012 đến hết tháng 8-2014, quản lý thị trường đã kỷ luật, khiển trách 25 sai phạm; cảnh cáo 16 trường hợp…

ĐB NGUYỄN NGỌC HÒA (TPHCM):

Biện các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam thông qua việc thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ trong nước, mở nhiều siêu thị hiện đại trên cả nước… Hệ thống bán lẻ của Việt Nam sẽ ra sao? Ảnh hưởng thế nào đến sản xuất trong nước? Tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ra sao? Doanh nghiệp Việt Nam có thua trên sân nhà không và Việt Nam sẽ giữ, phát triển hệ thống phân phối trong nước như thế nào?

Bộ trưởng VŨ HUY HOÀNG:

Ngay từ khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhận thức được việc phân phối, bán lẻ là nhạy cảm nên chủ trương của Việt Nam là mở cửa thị trường có lộ trình để tạo thuận lợi về thời gian cho doanh nghiệp trong nước đứng vững... Mặt khác, chúng ta cũng quy định sau khi mở hệ thống bán lẻ thứ nhất thì muốn mở thứ hai thì phải có báo cáo đánh giá về mặt kinh tế để quyết định có cấp phép mở nữa hay không. Các hiệp định đang đàm phán cũng giữ nguyên tắc mở cửa có lộ trình. Tuy nhiên, chúng ta có khóa để khống chế các mặt hàng nhạy cảm liên quan sản xuất trong nước như gạo, xăng dầu, văn hóa phẩm, thuốc lá, đường… không được phân phối trong hệ thống của họ. Đến nay, Việt Nam có 900 cơ sở bán lẻ hiện đại, trong đó nước ngoài có 70 cơ sở. Trong tổng mức bán lẻ năm 2013 khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, năm 2014 khoảng 3 triệu tỷ đồng thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 3,4% - không bằng con số 3,7% - 3,8% của giai đoạn 2007 - 2008. Việc chúng ta lo lắng bán lẻ nước ngoài thâm nhập sâu hơn là có nhưng kinh nghiệm 8 năm gia nhập WTO cho thấy băn khoăn này có thể xử lý được.

NGỌC QUANG

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Trả lời của bộ trưởng còn mang tính đối phó

Tôi thấy bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nắm vấn đề khá rõ, nhưng thẳng thắn mà nói thì cách trả lời của bộ trưởng còn mang tính đối phó. Như tôi hỏi về hàng gian, hàng giả thì bộ trưởng nói thiếu phương tiện kiểm định, đến nỗi lực lượng chức năng phải dùng… miệng để nếm phân bón hóa học. Một người nông dân thử vậy còn nghe được, chứ cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi như vậy thì thật buồn và đó là trách nhiệm của bộ trưởng. Chống hàng gian, hàng giả một cách thô sơ, lạc hậu như thế thì biết chừng nào chống được! Tất nhiên, vấn đề chống buôn lậu không phải trách nhiệm riêng của Bộ Công thương, nhưng bộ là cơ quan tham mưu, phải phát huy vai trò đề xuất mua sắm phương tiện gì cần thiết để kiểm định các mặt hàng thiết yếu, chứ không thể trả lời như thế được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Công nghiệp hỗ trợ chưa nghiên cứu, tìm ra sản phẩm phù hợp

Trong cơ chế thị trường, ngân sách chỉ có vai trò bà đỡ thôi, không thể mong phục hồi những nhà máy cơ khí như nhà máy Trần Hưng Đạo ngày xưa được. Mặt khác, ngân sách cũng không thể rót vào sản xuất hàng tiêu dùng được, chỉ có thể tập trung sản xuất một số loại hàng hóa công cộng.

Tôi cho rằng vấn đề chính của công nghiệp hỗ trợ hiện nay là chúng ta chưa ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học để phát triển những sản phẩm, những khâu phù hợp với lợi thế cạnh tranh của chúng ta; có thể ban đầu là sản phẩm đơn giản, sau này phức tạp dần lên. Nhiều cái làm trong nước được thì tại sao phải đi mua toàn bộ?

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Hiệu quả thương mại hóa các chợ dân sinh rất thấp!

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cơ bản đã trả lời những câu hỏi được đặt ra, nhưng vẫn “đổ lỗi” cho khách quan nhiều quá, còn chủ quan của ngành mình thì chưa nhìn nhận rõ. Với Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi còn muốn hỏi về hiệu quả của việc “trung tâm thương mại hóa” các chợ dân sinh; hiện nay việc này rất không hiệu quả; giải pháp phải tính lại thế nào? Như nhiều ĐB khác, tôi cũng muốn hỏi về công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa ô tô và nhiều sản phẩm khác. Chuyện đã nói rất lâu, đến giờ nhìn sang bên cạnh thì Campuchia cũng đã có xe điện rồi, không thể không sốt ruột.

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục