Chớ để ô uế nơi tôn nghiêm

Tọa lạc trong một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, gần bến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè, TPHCM, lâu nay Quan Âm ni tự, diện tích chưa đến 1.000m², là địa chỉ thân thương của khách thập phương. Chùa đang trong quá trình xây dựng lại khang trang hơn, thêm phần trang nghiêm hơn với các bảo tháp uy nghi.

Ni sư Thích nữ Nguyên Chánh, trụ trì Quan Âm ni tự, cho biết: “Trước đây, chùa được xây dựng đơn sơ, nhà tranh, vách ván. Nhờ bá tánh gần xa đóng góp, chùa được khởi công xây dựng lại từ năm 2009. Việc xây dựng lại chùa là sự hoan hỷ của bá tánh, phật tử”. Tuy nhiên, niềm vui của mọi người chưa trọn vẹn. Ngay từ lúc khởi công xây dựng chùa, một hộ dân ở gần chùa đã xây dựng một dãy nhà tạm, sát vách tường của nhà chùa.

Điều đáng quan tâm, nơi đây chính là cổng thoát hiểm của nhà chùa. Tệ hơn, đó không phải là dãy nhà ở mà là nhà kho chứa đồ phế thải và nhà vệ sinh. Đến chùa dâng hương, chịu mùi xú uế từ dãy nhà tạm đó xông lên nồng nặc, khách thập phương ai cũng chạnh lòng cho nhà chùa.

Nhà chùa đã 8 lần gửi đơn đến UBND, UBMTTQ huyện Nhà Bè, xã Thạnh Xuân, Ban đại diện Phật giáo, Phòng Quản lý đô thị… nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đầu năm 2011, hộ dân nêu trên dỡ bỏ toàn bộ các nhà tạm và… xây lại kiên cố hơn. Lần này, ngoài nhà vệ sinh, nhà chứa đồ phế thải thì còn có thêm một căn phòng để sản xuất đèn cầy ly. Biết việc, chính quyền địa phương tổ chức lập biên bản và tiến hành giải tỏa toàn bộ dãy nhà tạm đã bít lối thoát hiểm của nhà chùa.

Tuy nhiên, vụ việc đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt và thậm chí là thách thức của người vi phạm. Sau lần đó, với nhiều lý do khác nhau, vụ việc vẫn chưa được địa phương giải quyết. Dư luận tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè cũng như khách thập phương khá bức xúc với việc xem thường pháp luật. Lẽ nào địa phương không có cách nào xử lý để giúp cho nơi tôn nghiêm không bị ô uế?

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục