Thực tế cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới trong cả nước đến nay đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Nhất là với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chương trình đã tạo ra một diện mạo mới khá toàn diện, như đường sá được xây dựng nhiều và chất lượng hơn, điện đã đến cả nơi sản xuất chứ không chỉ nơi ở; nhiều người dân được sử dụng nước sạch; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng… đã được xây dựng khang trang và đáp ứng tích cực nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn… cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nói chung, ở nhiều xã, huyện xây dựng nông thôn mới, dù đã được công nhận đạt chuẩn hay chưa, đều có bước tiến đáng kể về nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, mặt trái của quá trình xây dựng nông thôn mới qua thời gian cũng đã bộc lộ khá nhiều. Đó là tình trạng “vung tay quá trán”, “ăn trước trả sau” khi thực hiện các công trình nhằm đạt chuẩn nông thôn mới, như vận động xã hội hóa thực hiện các dự án, công trình lớn nhưng khả năng ngân sách của địa phương có hạn nên không thể hoàn trả kịp cho nhà đầu tư; xây dựng tràn lan một số công trình cốt theo chuẩn chứ không theo nhu cầu, dẫn đến tốn kém, lãng phí; vay mượn nợ, ứng trước ngân sách… quá nhiều.
Có tình trạng quá chú trọng hình thức, bề nổi, tư duy nhiệm kỳ, việc gì cũng phát động, cũng hô hào thực hiện, nhưng lâm vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” khi cán bộ lãnh đạo địa phương được luân chuyển sang vị trí khác. Chỉ “mở cờ gióng trống” vào lúc phát động phong trào và lúc đón đoàn cấp trên về thẩm tra, còn ở đoạn giữa thì làm được chăng hay chớ, qua loa, chiếu lệ. Có tình trạng gian dối trong báo cáo, trong thực hiện, nhất là hiện tượng giảm hộ nghèo một cách cảm tính hoặc “chạy theo chỉ tiêu”.
Có lúc có nơi đã xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng hoặc bắt ép người dân đóng góp vô tội vạ, dẫn đến bức xúc trong dư luận, sút giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương và thậm chí cả chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Các hiện tượng đó phản ánh một vấn đề rất nghiêm trọng, là chạy theo thành tích chứ không nhằm vào phục vụ đời sống của người dân, không chú ý nâng cao chất lượng sống thực sự của người dân, không quan tâm đến điều kiện thực tế của địa phương mà cốt sao hoàn thành các chỉ tiêu một cách máy móc.
Do đó, phải khắc phục cho được căn bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Bản thân các địa phương phải xác định nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới là để nâng cao chất lượng sống của người dân; các tiêu chí dù có thể đạt về mặt thống kê nhưng nếu đời sống người dân không được cải thiện đáng kể thì chưa vội đề nghị được công nhận.
Các cơ quan cấp trên trong quá trình kiểm tra, thẩm định không chỉ căn cứ vào các báo cáo, vào các công trình bề nổi, mà nên tìm hiểu cụ thể trong nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền nên hạn chế tô hồng, đánh bóng mà nên quan tâm tìm hiểu đầy đủ thực tế của địa phương, chứ không chỉ dựa vào báo cáo hoặc ý kiến của lãnh đạo địa phương. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, các tổ chức và cá nhân thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu chạy theo thành tích hoặc gian dối hồ sơ, báo cáo…