Gần đây, dường như việc gian lận trong kinh doanh xăng đã có xu hướng chuyển từ “số lượng sang chất lượng”, tức là thay vì ăn gian số lượng đã chuyển sang gian lận trong chất lượng xăng, thậm chí gian dối cả lượng lẫn chất.
Một số thủ thuật gian lận như: pha phụ gia, hóa chất vào xăng, kể cả những chất bị cấm, để làm tăng khối lượng, thể tích, chỉ số octan; “hóa phép” biến từ xăng A83 (đã bị cấm kinh doanh) thành xăng A92, hoặc xăng A92 thành xăng A95 để bán giá cao hơn; canh chỉnh hệ thống bơm để giảm thể tích thực khi bán cho khách hàng (đong thiếu); sử dụng cột đo chưa kiểm định, quá hạn kiểm định, hoặc sai hỏng không đạt yêu cầu về đo lường...
Các thủ thuật gian lận đó rất khó kiểm soát. Thực tế lực lượng quản lý thị trường vốn đã mỏng lại thiếu thiết bị kiểm định nên khó phát hiện kịp thời các trường hợp gian lận. Sự giám sát của người dân rất hạn chế do hầu như không thể phát hiện gian lận bằng nhận biết cảm tính nên khó thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp gian lận lại ít khi đến nơi đến chốn, nên tính răn đe không cao. Nguyên nhân sâu xa hơn, đó là sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng xăng trước khi đưa ra kinh doanh.
Tình trạng này khiến người tiêu dùng bị móc túi thường xuyên mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thiệt hại này không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn có tính xã hội rất cao, bởi chi phí tăng thêm về nhiên liệu ở từng cá nhân cũng là chi phí tăng thêm của toàn xã hội, sẽ làm giá thành sản xuất - kinh doanh tăng lên, buộc người tiêu dùng phải tăng chi phí gián tiếp. Sự gian lận này không chỉ làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào sự minh bạch, đạo đức kinh doanh của những người kinh doanh xăng nói chung, mà còn làm giảm lòng tin của người dân về năng lực quản lý, kiểm soát, điều hành của các cơ quan chức năng liên quan.
Chính vì vậy, cần có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong việc chống gian lận trong kinh doanh xăng. Trước hết, cần kiểm soát chặt chẽ từ nguồn cung ứng xăng trước khi xuất bán ra thị trường. Cần có các biện pháp giám sát việc đảm bảo trung thực, chính xác của các công ty, các cửa hàng xăng dầu bằng cách lắp đặt các thiết bị đo lường đối chứng để người dân tự kiểm tra nếu nghi ngờ có gian dối về số lượng, cũng như công khai số điện thoại nóng của các cơ quan chức năng để người dân phản ánh ngay khi có nghi vấn gian lận. Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp xử lý thật nghiêm với các trường hợp gian lận, như phạt tiền gấp nhiều lần số lợi nhuận thu được từ gian lận mà cơ quan có thẩm quyền chứng minh được, tạm đình chỉ hoặc rút giấy phép vĩnh viễn đối với cơ sở vi phạm. Ngoài ra, cần có hình thức buộc bồi thường cho người tiêu dùng những thiệt hại do hành vi gian lận gây ra.
TRÚC GIANG
(Quận 3, TPHCM)