Gần đây, dư luận phải bàn nhiều về nạn “vòi vĩnh” ở sân bay Tân Sơn Nhất khi làm thủ tục hải quan. Đây là hiện tượng tiêu cực không mới nhưng vẫn cứ diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm nay. Mới đây, giãi bày về chuyện này, một vị đại diện Tổng cục Hải quan có cho rằng tâm lý của kiều bào khi về thăm quê thường mang theo nhiều hàng hóa, có người mang hàng hóa không đúng quy định, ngại khi qua cửa hải quan bị ách lại, nên muốn cho xong chuyện, đã nhét tiền vào hộ chiếu như là một khoản “bồi dưỡng”. Nếu ngành Hải quan xem như đây là chuyện “bồi dưỡng” chính đáng thì thật tai hại, vì nhân viên hải quan là người của nhà nước thực thi công vụ, việc thuộc chức trách là phải làm tròn, chứ không thể cứ vô tư nhận “bồi dưỡng”, vì sẽ tạo ra tâm lý khi gặp người không kẹp tiền là khó chịu, dẫn đến làm khó, và lâu dần sẽ biến tướng thành các biểu hiện tiêu cực khác. Từ thích “bồi dưỡng” vô lý dẫn đến “vòi vĩnh” là ranh giới rất mong manh.
Cửa khẩu sân bay quốc tế cũng là bộ mặt quốc gia, do đó, hơn ai hết rất cần một lực lượng thực thi công vụ mẫn cán, biết nói không với những hiện tượng “vòi vĩnh”, đòi “bồi dưỡng”. Nếu ngành Hải quan muốn chống tiêu cực, muốn chống nạn “vòi vĩnh” cũng không quá khó, chỉ cần lắp đặt camera ghi hình tại các quầy làm thủ tục, chiếu vào chỗ ngồi của nhân viên hải quan. Vấn đề quan trọng là ngành Hải quan có thực sự muốn chống và quyết tâm xóa bỏ tận gốc tiêu cực trong ngành mình hay không.
VĂN PHONG (quận 1, TPHCM)