Chống tham nhũng - Hành động thay vì nói suông

LTS:

LTS: Quốc hội đang thảo luận thông qua nhiều luật (sửa đổi), trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng, là vấn đề nóng đang được người dân quan tâm, góp ý.

Theo dõi thông tin trên báo chí, diễn đàn, dư luận lẫn người dân cảm thấy cuộc chiến chống tham nhũng chỉ mới dừng ở việc lớn tiếng hô hào, kêu gọi thay vì bắt đúng mạch, trị đúng căn bệnh trầm kha đang di căn như bệnh ung thư. Nếu không có biện pháp can thiệp sớm nhằm ngăn chặn tình trạng di căn này thì nền kinh tế lẫn lòng tin của người dân sẽ tiếp tục suy giảm. Chính vì thế, người dân mong mỏi Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go, thử thách hiện nay, người dân quan tâm đến vấn đề chống từ đâu, ai chống và chống như thế nào để có thể đi đến kết quả? Tại từng cơ sở, ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, người dân - người lao động chân chính nào cũng có thể biết rõ ngọn ngành về đơn vị mình có biểu hiện hoặc hành vi tham nhũng, tiêu cực hay không. Không ít trường hợp người chống tiêu cực trở thành nạn nhân, bị trù dập, bị cô lập khiến nhiều người nhìn vào phải chùn bước để được yên thân, bảo toàn miếng cơm, manh áo cho bản thân, gia đình. Điển hình là câu chuyện của bà Bùi Thị Thích, Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Y dược học dân tộc Hòa Bình, bị mất chức, hạ bậc lương vì đấu tranh chống tiêu cực tại đơn vị. Sau khi vụ việc bị thanh tra, người đứng đầu công ty này lãnh án cải tạo không giam giữ nhưng người tố cáo tiêu cực vẫn chưa được trả lại chức vụ, quyền lợi (!?).

Có rất nhiều người dân, cán bộ, đảng viên không chấp nhận những con sâu đục khoét tiền bạc của dân đã dũng cảm tố cáo, lên án hành vi tham nhũng tiêu cực ở đơn vị, cơ sở nhưng họ đều vấp phải “đá cứng” - thế lực tiêu cực ngầm và cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập như hiện nay. Vì thế, thay vì được bảo vệ, được tôn vinh, họ lại bị chính những kẻ tiêu cực, tham nhũng ra tay trù dập, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Giống như chiếc vòi bạch tuộc - tham nhũng tiêu cực cấu kết với nhau tạo thành bức tường thành kiên cố, bảo bọc cho những hành vi trục lợi, đục khoét tài sản của công, tiền của nhân dân.

Vì thế, để chống lại thế lực ngầm - tham nhũng tiêu cực đang gây bức xúc trong nhân dân, làm xói mòn lòng tin của xã hội việc đầu tiên phải làm là xây dựng cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch về quản lý tài chính, giám sát hiệu quả việc sử dụng đồng tiền của dân bằng hoạt động kiểm toán độc lập đối với từng tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến sử dụng ngân sách, vốn vay từ nước ngoài, vốn ODA… Thứ hai, Dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi phải làm rõ cơ chế, chính sách bảo vệ công dân - những anh hùng thời bình dũng cảm dám đánh đổi tất cả quyền lợi, sinh mạng để tố cáo tham nhũng tiêu cực. Chỉ khi nào công tác bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng được đặt lên hàng đầu thì mới khuyến khích người dân nhiệt tình tham gia phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Vì thế thay vì hô hào, vận động toàn dân tham gia cuộc chiến phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng hãy vào cuộc và hành động thiết thực.

khanhnt…60@gmail.com

  • Công khai tuyển dụng người tài đức vào các vị trí quan trọng

Kết quả thanh tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng tiêu cực gần đây cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên dính vào tham nhũng tiêu cực. Con số hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ vị trí quản lý cao cấp bị xử lý cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước rất kiên định. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế - những người vi phạm lại rơi vào những cán bộ có chức có quyền, nắm giữ những vị trí quan trọng, lĩnh vực độc quyền, có những dự án đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ đồng… Ở các vị trí càng cao, lĩnh vực càng độc quyền, nhạy cảm thì tham nhũng càng có cơ hội bùng phát và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là vụ việc sai phạm, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ở Tập đoàn Vinalines.

Nhiều cử tri đã đề nghị cần phải làm rõ các vụ việc tiêu cực, chạy chức, chạy quyền và bổ nhiệm những cán bộ có “tì vết” lên các chức vụ cao hơn trong các cơ quan nhà nước. Thực tế này cho thấy, lối mòn, tư duy cũ thể hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ quản lý trung, cao cấp cần phải xem xét, điều chỉnh lại. Một khi công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao không được tiến hành công khai, minh bạch, có sàng lọc, chọn lựa kỹ càng, đặt mục tiêu đúng người - đúng việc thì hậu quả sẽ rất lớn và khó khắc phục.

Để hạn chế tiêu cực, phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, việc chọn lựa, tuyển dụng nhân sự - những người có tâm, có tầm, có năng lực - phải trở thành tiêu chí hàng đầu. Chính vì thế, dư luận mong mỏi Quốc hội sớm đưa vào chương trình nghị sự Dự luật Trọng dụng nhân tài. Một khi người tài - hiền khí của quốc gia được đặt đúng vị trí thì đất nước sẽ cất cánh phát triển và hội nhập quốc tế nhanh hơn.

Lệ Huyền (quận 12, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục