Lâu nay chúng ta thường nghĩ, các tác động tiêu cực từ phía gia đình, nhà trường và xã hội là tác nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường. Tuy nhiên, một tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến bạo lực học đường chính là mối quan hệ trong nhóm mà trẻ tham gia. Bởi vì những nghiên cứu gần đây khẳng định: nhóm và sự ảnh hưởng của nhóm sẽ làm cho cơ chế dẫn đến hành vi bạo lực ở các em nhanh hơn, mức độ cũng mạnh hơn. Tính chất của nhóm cũng ảnh hưởng rất mạnh các hành vi này. Nếu nhóm tập hợp những học sinh có năng lực học tập hạn chế, có thái độ tiêu cực, thích gây rối… thì nguy cơ bạo lực học đường sẽ cao hơn. Ngược lại, nhóm bạn của những học sinh có suy nghĩ tích cực, học tập chăm chỉ, luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Cho nên, nếu có dấu hiệu nảy sinh bạo lực ở một cá nhân nào đó, thì chính những thành viên còn lại trong nhóm sẽ tìm cách ngăn cản và đưa ra cách giải quyết xung đột hợp lý nhất. Đặc biệt, đối với hiện tượng bạo lực học đường mang tính hội đồng trong thời gian qua, việc xác định rõ cơ chế của nhóm cũng như các thành phần, vị trí trong nhóm học sinh, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, can thiệp, ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp trong thời gian qua.
Sinh hoạt tập thể sẽ giúp các em học sinh có kỹ năng ứng xử với bạn bè
Một số học sinh có vấn đề thường hay tụ tập, đàn đúm, phần lớn là những em học sinh có cùng sở thích với nhau (sở thích tiêu cực như thích tụ tập đi gây rối, trốn học, đua xe…). Hoặc có thể xuất hiện rất nhiều nhóm học sinh thường quan hệ, giao lưu với nhau là các em được nuông chiều (cậu ấm, cô chiêu) hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Các học sinh này trở thành nhóm học sinh cá biệt trong trường. Vì những đặc điểm tâm lý tương đồng như vậy nên các em thường tụ tập lại và hành động theo những sở thích và thói quen tiêu cực của nhóm (như trộm cắp, chơi bời, đánh hội đồng…).
Là nhóm tiêu cực nên một số thành viên của nhóm nảy sinh tâm lý đại ca và muốn thể hiện, khẳng định mình. Mỗi nhóm có một thủ lĩnh không chính thức (đại ca) khống chế nhóm bằng uy lực ngầm (bạo lực) và thể hiện quyền uy với những người khác. Thông thường, tâm lý của các thủ lĩnh “gấu nhí” này là để mọi người phải phục mình, “ngưỡng mộ” mình và có thể điều khiển được những người còn lại. Tất nhiên, đây không phải là nhóm người được tổ chức chặt chẽ, nên tính chất của nó cũng kém bền vững, người tham gia chỉ hành động theo kiểu làm theo vì bị lôi kéo, sợ bị đánh hoặc do bị dọa nạt. Lây lan, a dua, bắt chước là những biểu hiện tâm lý rõ trong các mối quan hệ của nhóm này. Những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua cho thấy chính tâm lý lây lan, a dua, bắt chước theo đại ca của mình nên những người theo nhóm đó phải tham gia. Nếu không sẽ bị tẩy chay, ruồng bỏ, loại ra khỏi nhóm chơi. Đặc biệt, độ tuổi học sinh THCS thì tâm lý thích ra oai, phô trương, khoe khoang, thể hiện, nên khi được mọi người hò hét, “tán dương”, reo hò thì lại càng có “động lực” hành động để mọi người phải “tâm phục khẩu phục”. Vì vậy, mới dẫn đến những vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là ảnh hưởng rất lớn đến thể xác và tinh thần của người bị hại.
Do đó, để có những giải pháp phù hợp, gia đình và nhà trường phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chủ yếu. Đối với gia đình, cha mẹ cần phải kiểm soát được những hoạt động hàng ngày của các em để từ đó nhanh chóng nắm bắt, định hướng, điều khiển để tránh con gia nhập vào những nhóm tiêu cực. Đặc biệt, cha mẹ cần phải quản lý tốt thời gian của con mỗi ngày và thường xuyên phân tích cho con hiểu được hậu quả các nhóm tiêu cực cũng như bạo lực học đường mang tính hội đồng.
Còn đối với nhà trường, cần phải chú ý đến các hoạt động của các em trong và ngoài nhà trường. Chú ý biểu hiện các dấu hiệu của một nhóm tiêu cực. Ở trong trường, đội ngũ thầy cô giáo phải thường xuyên giáo dục những bài học đạo đức và kỹ năng ứng xử, hình thành cho các em kỹ năng giải xuyết xung đột một cách phù hợp. Đặc biệt là phải giúp các em hiểu rõ việc lập những nhóm tiêu cực dẫn đến kéo bè kéo cánh để gây rối là vi phạm kỷ luật của nhà trường và pháp luật của Nhà nước. Những hành vi đó không thể chấp nhận được trong môi trường học đường sẽ bị xử lý nghiêm. Khuyến khích các em thành lập những nhóm chính thức như nhóm học tập, các tổ phương pháp, nhóm chơi thể thao… để giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt.
Thạc sĩ LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
(Đại học Nguyễn Huệ)