Mùa mưa năm 2015 gần như đã kết thúc. Các chuyên gia dự báo thời tiết cho rằng mùa mưa năm 2016 sẽ đến muộn, ít xảy ra mưa trái mùa trong mùa nắng, nạn hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng và mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hạn hán là điều được dự báo từ nhiều năm qua.
Có nhiều nguyên nhân, như biến đổi khí hậu, các chu kỳ khí hậu, sự tàn phá rừng… Dù có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng hạn hán gần như là hiện tượng tự nhiên mà con người không thể khắc phục, chỉ có thể ứng phó.
Trước hết, về giải pháp ngắn hạn, đối với sản xuất lúa, các địa phương cần cân đối nguồn nước, phân vùng tưới cụ thể, từ đó xây dựng phương án sản xuất trong tình hình dự báo hạn hán; sử dụng giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để tưới đồng loạt và cắt nước đồng loạt. Cần rà soát cân đối nguồn nước, chuyển đổi cây trồng cạn ngắn ngày trên đất lúa để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sử dụng đất lúa.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không bảo đảm; những vùng đủ điều kiện có thể chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn gồm cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Phải tính toán lại cơ cấu sản xuất sao cho phù hợp với tình trạng hạn hán. Đó là phải trồng loại cây, nuôi loại gia súc, gia cầm thích nghi với điều kiện thiếu nước và nhiệt độ cao. Chẳng hạn, trong điều kiện có nước ngọt tưới ở vùng đất nắng nóng, hạn chế trồng lúa, có thể chuyển sang trồng các loại cây cạn, như khoai lang đỏ, ớt, dưa hấu, rau má, một số loại đậu. Đối với những vùng đất hoàn toàn không có khả năng tưới hoặc không có nguồn chống hạn cuối vụ, nên chuyển đổi sang cây mía, cây sắn… Đối với vùng đặc biệt khó khăn về hạn, có thể đề xuất chuyển đổi sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tương tự, nên chú ý chọn các loại gia súc, gia cầm ít phụ thuộc nước, như gia súc lấy thịt cần ít nước hơn gia súc lấy sữa. Ở những nơi thiếu nước nghiêm trọng, đất cằn cỗi, trồng các loại cây thông thường không hiệu quả, nên trồng rừng với những loại cây phù hợp để cải tạo đất, giữ nước, giữ ẩm… và cũng là một biện pháp sản xuất có hiệu quả kinh tế.
Trong việc sử dụng nước phục vụ sản xuất, cần có sự tính toán hợp lý và tiết kiệm triệt để. Hệ thống trữ và dẫn nước phải bảo đảm ít lãng phí, thất thoát; trong quá trình dẫn nước, việc sử dụng cần đồng loạt với nhiều hộ sản xuất để hạn chế nước bốc hơi. Cần có biện pháp tưới khoa học, hợp lý để tiết kiệm nước, như thay vì xả tràn có thể tưới vòi sen hoặc tưới phun; xây dựng hệ thống tưới ngầm theo gốc hoặc tưới nhỏ giọt. Cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho người dân; có cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm…
Những năm tới, tình hình hạn hán có thể còn nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn. Do đó, việc ứng phó cần phải chủ động hơn, với những giải pháp phù hợp, cả trong sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được thực hiện rộng rãi với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân và cung cấp cho người dân những kiến thức cần thiết để thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt này.
TRỊNH MINH GIANG
(quận Thủ Đức, TPHCM)