Chữ Tâm cho báo điện tử

Trong những ngày tháng 3 nắng gắt, làng báo chí Việt Nam cũng nóng lên chuyện xâm phạm bản quyền báo điện tử. Vào đầu tháng, Tổng Biên tập báo Năng Lượng Mới lên tiếng đòi kiện trang tổng hợp thông tin baomoi.com (trực thuộc Công ty cổ phần Công nghệ FPI) ra tòa vì đã sử dụng nhiều thông tin đã đăng của báo Năng Lượng Mới mà không hề xin phép. Ngay sau đó, baomoi.com đã đăng tải trên trang chủ của họ lời xin lỗi báo Năng Lượng Mới, đồng thời hứa ngừng việc tự động lấy tin bài, gỡ bỏ các bài viết đó ra khỏi hệ thống.

Tiếp theo đó, nhiều trang tin điện tử cũng tiến hành xin sự đồng ý của các tờ báo gốc chủ sở hữu các tác phẩm báo chí cho đăng lại thông tin. Mới đây, Giám đốc Công ty FPI Nguyễn Anh Tuấn đã gửi văn bản đến Báo SGGP xin được thực hiện việc tổng hợp thông tin từ Báo SGGP Online lên baomoi.com.

Chuyện vi phạm bản quyền báo điện tử không phải là chuyện mới, mà nó đã là một vấn nạn trên xa lộ thông tin từ lâu, từ khi cánh cửa internet được mở ra tại Việt Nam vào năm 1997, kéo theo hàng loạt trang tin điện tử, báo điện tử ra đời. Suốt một thời gian dài, rất nhiều tác phẩm báo chí nóng hổi, đặc sắc, công phu được các tờ báo và các phóng viên tốn bao mồ hôi, công sức, thậm chí đối diện hiểm nguy mới tạo ra được, thì chỉ vài phút sau khi đăng lên mạng đã bị sao chép hoặc chỉnh sửa đưa lên trang mạng khác một cách vô tội vạ. Ngay cả một số tờ báo hiện có tên có tuổi, có lượng truy cập cao ngất, thì vào lúc mới ra đời, với chỉ vài phóng viên ban đầu, cũng giở trò “đạo báo” hàng ngày, hàng giờ, để câu độc giả.
 
Rõ ràng, hành vi vi phạm bản quyền báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng, đã xâm hại đến quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, đe dọa không chỉ đến uy tín mà còn đến nguồn thu của những tờ báo điện tử uy tín để tái tạo những sản phẩm báo chí có chất lượng phục vụ công chúng.

Trước vấn nạn này, từ năm 2007, lãnh đạo 5 tờ báo gồm: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong đã có nhiều buổi họp bàn và ngày 20-10-2007, qua sự trợ giúp pháp lý của Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải, đã ký chung bản thỏa thuận về trao đổi và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Dựa theo quy định bảo vệ quyền tác phẩm tại điều 20, điều 25 và điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung chính của bản thỏa thuận này là: các báo tham gia ký thỏa thuận chung được đăng lại trên báo điện tử các tác phẩm báo chí của nhau đã công bố mà không phải xin phép của nhau. Các tác phẩm đăng lại phải được đăng nguyên văn, không thêm bớt so với tác phẩm đã công bố, phải đăng rõ tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm, và chỉ được đăng lại sau khi báo gốc đăng ít nhất 3 giờ. Đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền với các báo tham gia thỏa thuận này, các báo bị xâm phạm sẽ cùng nhau hợp tác để yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vụ việc vi phạm.

Bản thỏa thuận chung này sau đó được thêm một số tờ báo khác hưởng ứng tham gia. Thế nhưng, thật đáng buồn, vấn nạn đạo báo vẫn cứ tiếp diễn tràn lan!

Vấn nạn “đạo báo” còn là một nội dung nóng tại Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19-3 vừa qua, với nhiều ý kiến bức xúc yêu cầu các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý theo quy định pháp luật.
 
Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, tính đến tháng 2-2013, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Với số lượng báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội ngày càng nhiều, giải quyết vấn nạn “đạo báo”, làm trong sạch môi trường thông tin điện tử là vấn đề cấp bách.

Giải quyết vấn đề này, trước tiên là ở ngay chính những người làm báo điện tử, những người tham gia hoạt động truyền thông xã hội, luôn biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng thành quả lao động của người khác, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đây cũng là một biểu hiện của chữ Tâm ở người làm báo điện tử trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục