Vân vê mãi những tờ tiền 50.000 đồng được xếp ngay ngắn trong phong bì, mắt ông giáo già đã hơn 70 tuổi Lê Sỹ Hiệp ở phường 10 quận 5 TPHCM rưng rưng. Hỏi, ông bật ngay câu trả lời mà không cần đắn đo: “Mua gạo, đường, sữa, mắm muối, trả tiền điện, gas… một triệu đồng giải quyết được nhiều lắm chứ cô”.
Ngồi kế bên ông Hiệp, gương mặt cô Liên cũng giãn ra nhiều. Chắc cô cũng đang nhẩm tính 1 triệu đồng nhận được mỗi tháng sẽ chi cho con đóng tiền học, tiền chợ, phụ thêm tiền thuốc thang chạy chữa căn bệnh nan y của chồng…
Không kèn không trống, không băng rôn khẩu hiệu, không báo chí rình rang, không lãnh đạo các cấp tham dự… nhưng hôm trao tiền bảo trợ cho 39 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của MTTQ quận 5 lại để lại một dư âm khó quên cho tất cả những người tham dự (doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đảng viên, hội viên các đoàn thể và hàng trăm người nghèo). Với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt này (ông Hiệp là lao động chính nuôi vợ bệnh và hai con ruột đều bị tâm thần; gia đình nghèo khác có người bệnh nan y, già neo đơn bệnh tật…) thì số tiền 1 triệu đồng/hộ nhận được (đến hết tháng 5-2014) sẽ giúp cho nhiều người an tâm hơn phần nào để đối diện cuộc sống khó khăn phía trước.
Để có được kết quả này, từng thành viên MTTQ quận 5 đã lăn xả vào cuộc, đi xin chùa chiền, các hội quán, nhà thờ, đảng bộ ngoài quốc doanh, đoàn thể khác trên địa bàn quận. Ai còn “lăn tăn”, cán bộ mặt trận dẫn đến tận nhà để chứng kiến từng hoàn cảnh. Sau khi đi thăm về, có người lặng lẽ nhận bảo trợ ngay 2 suất hàng tháng, có người thì tặng hết tiền phúng viếng đám tang mẹ, đủ để bảo trợ suốt 12 tháng cho một hộ khác cho dù hoàn cảnh của gia đình mình cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có những cán bộ mặt trận còn tự nguyện “xén” bớt lương của mình, hùn nhau đỡ đầu một số hộ.
“Cho cần câu chứ không cho xâu cá” - đó là phương châm để thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, với một số hộ đặc biệt, việc thoát nghèo gần như không thể. Để câu chuyện về người nghèo không còn là nỗi trăn trở của xã hội, cùng với việc triển khai các giải pháp thoát nghèo đồng bộ thì việc chăm lo cho họ còn xuất phát từ cái tâm của những người làm công tác này. “Học và làm theo Bác, với chúng tôi, là bắt đầu từ những điều đơn giản, thiết thực nhất có ích cho người dân như vậy” - triết lý đau đáu của ông chủ tịch mặt trận quận nghe thì đơn giản nhưng không phải ai, nơi nào cũng hiểu và làm được.
HỒNG HIỆP