Dự hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo đại điện các ban, bộ ngành Trung ương và 355 đại biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đại diện cho hơn 9 triệu NCC trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và có nhiều chính sách ưu đãi chăm lo đời sống vật chất tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC với cách mạng. Phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, NCC với cách mạng, quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta. Việc xây dựng, nâng cấp tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm quy tập, xác định danh tính liệt sĩ được triển khai tích cực. Đời sống của người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện, nhiều đồng chí đã có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu tiếp tục phát triển và đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển đất nước.
Thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, tiếp tục quán triệt tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với NCC trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trọng tâm là thực hiện tốt chỉ thị số 14 ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác người có công với cách mạng. Nhận thức sâu sắc việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tập trung chăm lo các gia đình, NCC có hoàn cảnh khó khăn, NCC neo đơn không có nơi nương tựa, NCC ở các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ đại cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ NCC thuộc diện hộ nghèo.
Ưu tiên nguồn lực giải quyết nhu cầu cấp thiết đối với NCC, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề tạo việc tạo làm giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất. Hỗ trợ, cải thiện nhà ở, xây dựng cải tạo nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, diều dưỡng NCC. Quan tâm đầu tư trang bị, thiết bị, phương tiện ứng dụng CNTT trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Chú trọng tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc gia đình thân nhân thương binh, liệt sĩ, NCC, tích cực ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả. Thường xuyên tổng kết thực tiễn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, phát hiện, biểu dương những cá nhân tập thể NCC đã nêu cao ý chí phẩm chất cách mạng, phấn đấu vươn lên trong công tác chiến đấu, lao động và học tập tiếp tục đóng góp công sức, chí tuệ để xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của cả dân tộc, Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, đồng chí cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc cho thương binh, bệnh binh, NCC và coi đây là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng NCC với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình, chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình, chế độ thờ cúng liệt sĩ,… với ngân sách nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng. Hàng năm Chủ tịch nước cũng dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ. Từ năm 2013-2017, quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng; Bộ LĐ-TBXH đã tặng 355 đại biểu là NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.