Tại các nước tiên tiến, học sinh tốt nghiệp trung học được trang bị tốt các kỹ năng sống. Trong khi đó, ở nước ta những công dân đã tốt nghiệp trung học rất ít hiểu biết về cuộc sống, nói cách khác là không hề có kỹ năng sống.
Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa: Kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”. Kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với các yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết.
Năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo cùng các tài liệu hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở phổ thông. Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa có chương trình dạy kỹ năng sống cụ thể, thiết thực, nên chưa thể nói việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường đã được triển khai đúng nghĩa. Tại rất nhiều nước, trong chương trình học phổ thông, các công dân nhỏ đã được thầy cô dạy cho cách ứng xử với những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống, cách đối diện và vượt qua những khó khăn tồi tệ. Đơn giản nhất, nếu có cháy thì phải thoát thân thế nào, thậm chí nếu muốn cứu một người khỏi đám cháy thì phải làm sao để vừa an toàn cho bản thân, vừa cứu được người khác… Học sinh tiểu học của Nhật Bản đã được nhà trường dạy cách thoát hiểm trong trường hợp bị động đất, sóng thần. Những trường học nằm trong thành phố có nhà máy, kho hóa chất, học sinh được học cách tự bảo vệ mình khi tình huống xấu xảy ra…
Theo Bộ LĐTB-XH, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với trên 3.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó nạn nhân phần lớn là trẻ nhỏ. Đây là con số đau lòng, một trong những nguyên nhân trực tiếp là các em đã không được học bơi lội, một kỹ năng sống quan trọng đã được các nước đưa vào thành bộ môn chính thức trong nhà trường từ bậc tiểu học. Mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã bắt đầu đưa môn bơi vào chính khóa nhưng còn gặp nhiều bất cập do chưa có đội ngũ giáo viên dạy bơi chuẩn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều trường vẫn không triển khai môn học này.
Ở nhiều nước tiên tiến, dạy kỹ năng sống không hẳn tách riêng mà nằm chung trong chương trình giảng dạy, bởi thực chất ngay trong các môn học chính khóa, nếu áp dụng phương pháp dạy khoa học, các thầy cô đã có thể truyền thụ và thức tỉnh các kỹ năng sống cho học trò của mình, như cách tư duy độc lập, sáng tạo, tư duy bình luận, phê phán, cách thức giao tiếp, ứng xử…Nhiều trường quốc tế (của Anh, Mỹ, Úc…) vẫn giữ nguyên chương trình dạy và học của họ khi mở trường ở Việt Nam. Chúng ta có thể tham khảo và học tập những phương pháp dạy học khoa học của họ. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng chia sẻ và giúp chúng ta. Quan trọng là chúng ta có cầu thị không?
Ngoài nhà trường, cũng không thể bỏ qua giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại gia đình. Những bước dạy kỹ năng sống đầu tiên cho trẻ phải từ cha mẹ, ông bà. Nhà trường là sự tiếp tục, mở rộng kết quả đó. Căn bệnh trầm kha của các bậc phụ huynh hiện nay là buộc con học quá nhiều khiến trẻ em không còn thời gian cho các hoạt động khác… Không để con phải làm gì, thậm chí làm thay con cả những việc lẽ ra trẻ phải tự làm lấy chỉ với mong muốn con có nhiều thời gian để học, vô tình các phụ huynh đã tước đi những trải nghiệm quý giá của con trẻ trong việc thích nghi với cuộc sống. Những ai từng sống ở Nhật Bản mới thấy rõ sự trái ngược khi các bà mẹ Việt Nam tìm mọi cách để con mình học thật nhiều thì các bà mẹ Nhật lại luôn khuyến khích con mình vui chơi.
Để trẻ lớn lên trở thành người có ích, chúng ta cần dạy và hướng cho trẻ tự khám phá cuộc sống cũng như cách đối nhân xử thế chứ không chỉ biết nhồi nhét kiến thức như hiện nay. Cần thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI: “Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
LÊ UYÊN