Chú trọng tạo nguồn thu để tăng lương tối thiểu

Người lao động cả nước cảm thấy hụt hẫng khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố chưa thể tăng lương tối thiểu vào năm 2013 do Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình. Với mức lương tối thiểu hiện nay là 1,05 triệu đồng/tháng, đời sống của người lao động rất khó khăn, nhất là khi các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thực phẩm… đồng loạt tăng giá. Nếu không thực hiện tăng lương, cuộc sống của người làm công ăn lương đã khó lại càng thêm khó.
 
Lương thấp không đủ sức tạo động lực cho công nhân viên chức và người lao động gắn bó, tận tâm với công việc, khó thu hút nhân tài, và là một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, “chảy máu chất xám”. Tăng lương là việc cần thiết nhưng một câu hỏi lớn là lấy nguồn nào để tăng lương?

Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, chưa năm nào thu ngân sách lại khó khăn như năm nay, và tình hình này sẽ kéo dài đến năm 2013 và hiện không còn khoản thu tạo nguồn điều chỉnh mức lương. Nhưng dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Nếu đến năm 2014, 2015 hoặc các năm sau đó, vẫn tiếp tục như vậy thì người lao động vẫn phải chấp nhận mức lương như hiện nay hay sao? Theo tôi, Chính phủ cần rà soát lại các khoản thu chi, áp dụng các biện pháp đột phá để tạo nguồn thu và tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình.
 
Thực ra, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nguồn thu này bằng cách tiết kiệm những khoản tiền chi tiêu không đáng có để dành cho việc tăng lương cho người lao động như tiết kiệm chi tiêu hành chính, hội nghị, mua sắm văn phòng, hạn chế tổ chức các lễ hội đình đám. Đó là những giải pháp trước mắt và thiết thực.

Về lâu dài, cần xác định nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tạo nguồn thu cho chi trả tiền lương là số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá lớn trong khi một phần đông trong số đó làm việc không hiệu quả.

Việc trả lương theo vị trí công chức chứ không trả theo công việc đã tạo gánh nặng ngân sách rất lớn cho Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần mạnh dạn tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy tổ chức đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, công chức và người lao động.

Như vậy, hiệu quả, năng suất công việc tăng, nguồn tiền chi trả cho tiền lương bớt đi thì lương cho người lao động sẽ tăng và chúng ta sẽ không vấp phải những khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, cần chú trọng tránh thất thu thuế đối với những cá nhân và tổ chức có thu nhập cao trong xã hội để tăng thêm nguồn thu cho những việc công, trong đó có việc trả lương cho người lao động.

LÊ MẠNH TÙNG (Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục