Chú trọng xây dựng hệ thống bán lẻ cho hàng Việt

Chú trọng xây dựng hệ thống bán lẻ cho hàng Việt

Siêu thị mini đặc sản của Báo Sài Gòn Tiếp thị có nét đặc biệt, dù hàng hóa còn khá khiêm tốn, nhưng đều là các đặc sản thực phẩm trong nước, từ nước tương, nước mắm, tương, chao, mắm, nấm khô, cá khô, gạo… đến một số loại dược phẩm như tinh dầu hoa bưởi, dầu gấc… Dù giá có cao hơn chợ bên ngoài một chút, nhưng sản phẩm ở đây đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.

Mua chả giò Vissan tại siêu thị Bình Hòa. Ảnh: KIM NGÂN

Mua chả giò Vissan tại siêu thị Bình Hòa. Ảnh: KIM NGÂN

Trong khi đó, ở nhiều hệ thống thương mại và siêu thị, hàng Việt còn chưa được quan tâm đúng mức. Một số hệ thống bán lẻ ở các đô thị có uy tín lớn như Co-op Mart, Big C, Lotte, Metro…, dù rất phong phú về chủng loại hàng hóa nhưng không nơi nào “thuần” 100% hàng Việt, hoặc tỷ lệ hàng trong nước còn khiêm tốn.

Còn ở khu vực nông thôn, hàng Việt lại càng phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc và Thái Lan. Không phải người tiêu dùng nào cũng sính hàng ngoại, mà nhiều khi họ không có nhiều sự lựa chọn do hàng Việt quá ít hoặc giá khá cao, chất lượng lại không đồng đều, trong khi hàng ngoại đa dạng về chủng loại, mẫu mã khá bắt mắt, giá lại mềm…

Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần liên kết, hợp tác với nhau để xây dựng hệ thống bán lẻ hàng Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn.

Trước mắt, nên ưu tiên các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, công cụ lao động… tiến dần đến các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao như đồ điện tử, đồ cơ khí (nhất là nông ngư cơ)… Hệ thống bán lẻ này có thể tổ chức thành chuỗi các cửa hàng (một dạng siêu thị mini) cố định hoặc các điểm bán hàng di động (tổ chức định kỳ, thường xuyên như các chợ phiên), tùy theo tình hình dân cư và tập quán sinh sống của người dân.

Cách làm này vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, vừa giúp người dân được sử dụng hàng nội có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, dễ mua, góp phần tạo ra thói quen mua sắm hàng nội.

Quá trình này cần được sự tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực của nhà nước. Bên cạnh chính sách thuế, giá thuê đất… hợp lý, các ngành các cấp cần có sự quy hoạch và định hướng cụ thể để hệ thống đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương một cách tốt nhất. Hệ thống này cũng cần có sự gắn kết chặt chẽ với việc giải quyết đầu ra cho một số loại nông sản của từng địa phương.

Các doanh nghiệp nên xem việc xây dựng hệ thống bán lẻ cho hàng Việt là một chiến lược kinh doanh mang tính nhân văn, tính xã hội cao, chứ không đơn thuần là lợi nhuận. Do đó, cần duy trì và mở rộng quy mô, không chỉ trong đợt thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trúc Giang (quận 3)

Tin cùng chuyên mục