(SGGPO).- Trong phiên họp sáng nay, 20-11, 6 dự án luật đã được Quốc hội thông qua với đại đa số phiếu thuận. Đó là các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Xuất bản (sửa đổi).
Đáng lưu ý, với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Quốc hội thống nhất với quan điểm trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung này với 330/470 đại biểu có mặt tán thành.
Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 17 của Luật quy định: Người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Về Luật Xuất bản (sửa đổi), trước khi thông qua toàn văn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 12 về Đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản với 93,17% ý kiến tán thành.
Điều 12 quy định: Cơ quan, tổ chức được thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, dự thảo Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Luật chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.
Theo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, hợp tác xã có quyền cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm ra thị trường, nhưng phải bảo đảm hoàn thành cam kết nghĩa vụ đối với thành viên.
Khoản 3 và 4 Điều 8 đã được Quốc hội thông qua quy định về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nêu rõ: “Tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên; Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, hợp tác xã thành viên và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên, hợp tác xã thành viên”.
Cũng theo Luật này, Liên minh hợp tác xã Việt Nam được thành lập ở trung ương; liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều lệ liên minh hợp tác xã Việt Nam được đại hội liên minh hợp tác xã Việt Nam thông qua và do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều lệ liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được đại hội liên minh hợp tác xã cấp tỉnh thông qua và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt…
Cơ chế tài chính mở đối với khoa học công nghệ
(SGGP).- Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Nhóm vấn đề về cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra một đề xuất mới mẻ về việc xây dựng chỉ số đầu tư - “một dạng ICOR cho khoa học công nghệ (KHCN)”. Việc khảo sát và phân tích chỉ số này hàng năm không chỉ đánh giá hiệu quả đầu tư cho khoa học KHCN, được sử dụng làm cơ sở để tính toán phân bổ ngân sách mà còn là minh chứng rõ ràng cho DN thấy hiệu quả, thu hút họ bỏ vốn đầu tư.
Trăn trở với câu hỏi tại sao hơn 10 năm qua đầu tư không ít, số đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều hơn nhưng trình độ KHCN vẫn thấp, ít công trình được đăng ký sáng chế hoặc có tiếng vang trong khu vực…, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị cụ thể hóa những nguyên tắc ưu đãi trong Luật, tránh nói chung chung, “nghe thì rất hay nhưng rất khó thực hiện”, đồng thời đảm bảo đối xử bình đẳng giữa tổ chức công lập và ngoài công lập…
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) thì ghi nhận: Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, cầu thị, sửa đổi toàn diện Luật KHCN, giải quyết được một số nút thắt về cơ chế tài chính. Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn mờ nhạt, còn ít cả về đề tài và mức đầu tư; trong khi nhiều bức xúc xã hội đòi hỏi phải nghiên cứu, có giải pháp hữu hiệu.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) thẳng thắn nhận xét, dự luật vẫn còn nặng về cấp phát kinh phí và quản lý cơ sở KHCN công lập mà chưa chú trọng đúng mức đến những yếu tố nhằm huy động nguồn tài chính ngoài công lập. ĐB khuyến nghị: “Cần có điều khoản quy định khi DN đạt đến mức doanh thu nhất định thì lập tổ chức nghiên cứu KHCN; Nhà nước cấp một phần kinh phí cho DN có đề tài tốt và có vốn đối ứng”. Về chính sách thuế, không nên áp dụng rộng rãi việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với thiết bị, quy trình công nghệ nước ngoài mà chỉ nên áp dụng với một số loại nhất định mà trong nước chưa tạo ra được. Vật tư thiết bị phục vụ nghiên cứu trong nước thì lại cần được giảm thuế sâu hơn nữa, có như vậy mới khuyến khích được hoạt động nghiên cứu KHCN trong nước...
Ủng hộ định hướng khoán chi, song đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, như vậy vẫn chưa đủ; cần có cách làm táo bạo hơn nữa. “Đó là cơ chế tài chính mở, cho phép nhà khoa học không phải lập dự toán chi tiết mà chỉ cần dự toán tổng quát, họ được phép chi trong theo tổng mức được duyệt với các mục chi được phê duyệt, sau đó kiểm toán”, ông Phương “hiến kế”.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cũng cho rằng việc áp dụng cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ đối với khoa học công nghệ trong dự thảo Luật là những điểm mới và rất phù hợp, giúp giải phóng nhà khoa học khỏi những công việc buồn chán, phức tạp đối với học. Song cần phải có giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực bằng cách gắn các cơ chế này với tự chủ tài chính và trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo đại biểu Đạt, quy định tỷ lệ tối đa mà doanh nghiệp được trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ là không hợp lý, thay vào đó nên quy định tỷ lệ tối thiểu. Cũng cần quy định các đơn vị sự nghiệp công như viện nghiên cứu, trường đại học lớn được thành lập quỹ khoa học công nghệ...
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật này sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
ANH PHƯƠNG