Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên biển bằng mọi giá

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã:

Chiều 5-6, Quốc hội đã họp riêng nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông. Sau phiên họp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã đã trao đổi với báo chí.

Phóng viên: Thưa ông, báo cáo lần này của Chính phủ tập trung vào những nội dung gì?

Ông TRẦN ĐÌNH NHÃ: Quốc hội họp kín nên nhiều vấn đề chỉ báo cáo để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nắm được. Tuy nhiên, về cơ bản, Chính phủ đã báo cáo rõ về thái độ và giải pháp của ta. Đó là các giải pháp tổng hợp về chính trị, ngoại giao, pháp lý trên nguyên tắc đảm bảo chủ quyền và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, ông đánh giá thế nào về tình hình trên biển Đông?

Thông qua truyền thông trong nước và quốc tế, chúng ta đều đã biết được tình hình thực tế trên biển Đông. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ là tiếng nói chính thức, báo cáo những việc Chính phủ đã làm được, theo hướng mà Quốc hội, người dân mong muốn, nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông.

Nhiều nước đã nhận định rằng, các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay là hung hăng, khiến tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, khả năng hiểu nhầm và xung đột rất lớn.

Sau phiên làm việc, Quốc hội có thông cáo hay nghị quyết thể hiện quan điểm của mình như thế nào không, thưa ông?

Hiến pháp quy định Quốc hội chỉ có hai hình thức thể hiện tiếng nói của mình là ban hành luật và nghị quyết. Còn các hình thức như thông cáo, tuyên bố của Quốc hội trước kia, nay đã không có nữa.

Luật thì Quốc hội đã ban hành rồi, Quốc hội khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam trong Luật Biển và Luật Biên giới quốc gia. Quốc hội cũng nói lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Luật đã quy định rồi, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên biển bằng mọi giá.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến cần có một phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề biển Đông, ý kiến của ông thế nào?

Tôi thấy không cần thiết, mọi thông tin trên biển Đông, ĐBQH đều nắm được rồi. Thái độ của chúng ta cũng đã rõ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao luôn luôn phản đối hành động của Trung Quốc, các đoàn cấp cao cũng tuyên bố thẳng thắn Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông và khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta cũng đã nói điều này cho cả thế giới biết.

Vậy ông mong muốn gì ở hành động của Chính phủ trong thời gian tới?

Chính phủ không có sách lược riêng về biển Đông mà sách lược đó là chung của cả quốc gia, được thể hiện trong hiến pháp và pháp luật. Chúng ta làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển Đông. Chúng ta bảo vệ chủ quyền nhưng đồng thời vẫn phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hai nhiệm vụ này đều khó khăn nhưng phải song hành. Cử tri và nhân dân phải bình tĩnh theo dõi, Đảng và Nhà nước đang làm hết sức mình để thực hiện nghĩa vụ trước Tổ quốc, trước nhân dân.

PHAN THẢO (ghi)

Tin cùng chuyên mục