Chung tay vì một kỳ thi nghiêm túc, công bằng

Ngày 27-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã đến điểm thi làm thủ tục dự thi để chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6. Đây là kỳ thi tầm quốc gia với mục tiêu kép là xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và chuẩn bị mọi phương án từ công tác tổ chức, làm đề thi, coi thi, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi thi. Số nhân lực phục vụ cho kỳ thi này lên đến hàng trăm ngàn người. Qua đó cho thấy, để chuẩn bị một kỳ thi tầm quốc gia, công tác tổ chức là hết sức nặng nề nhằm đạt mục tiêu là kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm việc với ban chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã tập huấn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điều động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT...

Qua vụ gian dối trong việc chấm thi, nâng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và sai phạm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về môn Sinh học, hai khâu tối quan trọng này đã được Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đặc biệt quan tâm. Công tác đề thi được Bộ GD-ĐT hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi. Về công tác chấm thi năm 2023, nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các sở GD-ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.

Cũng cách đây vài ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 2 cựu giáo viên Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. TAND TP Hà Nội cũng ấn định ngày xét xử các bị cáo trên (29-6, ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023). Điều này một lần nữa khẳng định: mọi đối tượng, mọi hành vi gian dối, tiêu cực, gian lận trong thi cử sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định.

Do đó, trong 2 ngày thi 28 và 29-6, thí sinh ngoài việc chuẩn bị tốt tinh thần, sức khỏe để bước vào ngày thi, các em cần biết những gì được làm và không được làm trong phòng thi. Tính trung thực là một giá trị vô cùng quan trọng của con người và được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Trong kỳ thi này cũng vậy, các em hãy phát huy tính trung thực, hãy tập trung cao độ để làm bài bằng năng lực, kiến thức mà mình tích lũy được trong suốt 12 năm học tập. Đây là một cuộc chơi trên tinh thần minh bạch, công bằng nên không có chỗ cho mọi hành vi gian dối. Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Kết quả của kỳ thi này chắc chắn sẽ có thí sinh đạt điểm cao, thí sinh đạt điểm thấp và thậm chí sẽ có thí sinh rớt tốt nghiệp. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào, phụ huynh cũng nên kịp thời hỗ trợ, động viên, tránh tạo áp lực cho con cái. Các cấp, các ngành và những người làm nhiệm vụ trong suốt kỳ thi, đặc biệt là việc coi thi, chấm thi cũng phải thật sự nghiêm túc. Tất cả cùng nỗ lực, cùng nêu cao quyết tâm để có một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, an toàn!

Tin cùng chuyên mục