Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Biết xấu hổ cũng là nét văn hóa

Bộ mặt đô thị chính là ISO về năng lực quản lý của chính quyền thành phố và trình độ văn hóa của cư dân. Lâu nay, nhiều cư dân đô thị đang tự làm xấu mình trong mắt bè bạn quốc tế. Một số người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam đã phát hiện nhiều sự khác biệt mà người dân không để ý.
Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Biết xấu hổ cũng là nét văn hóa

Bộ mặt đô thị chính là ISO về năng lực quản lý của chính quyền thành phố và trình độ văn hóa của cư dân. Lâu nay, nhiều cư dân đô thị đang tự làm xấu mình trong mắt bè bạn quốc tế. Một số người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam đã phát hiện nhiều sự khác biệt mà người dân không để ý.

  • Cấm có nghĩa là... được phép?

Ở các nước châu Âu, thiên hạ hôn nhau thoải mái nơi công cộng, còn tiểu tiện phải vào nhà vệ sinh. Ở Việt Nam thì ngược lại, hôn nhau ở nơi kín đáo, nhưng lại tiểu tiện thoải mái ngoài đường. Nhiều người cứ vô tư vứt rác xuống đường, tự do hút thuốc khắp nơi, kể cả bệnh viện và trường học, thản nhiên bóp còi xe inh ỏi, cứ kèn trống ca hát ở đám ma, đám cưới “tra tấn” hàng xóm mấy ngày liền…

Hiện nay, Việt Nam được xem là… “cường quốc về khẩu hiệu”. Danh hiệu này trước đây thuộc về Trung Quốc. Bây giờ họ thay đổi, “nhường” lại cho mình. Cả nước tràn lan các tập thể và địa phương đạt danh hiệu văn hóa, từ gia đình, tổ dân phố, khu phố văn hóa, đến phường, xã, quận, huyện văn hóa… Nhưng tiếc vẫn còn không ít những con người cụ thể chưa thể hiện phong cách sống có văn hóa.

TPHCM đang nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nhưng trên đường phố vẫn có rất nhiều biển quảng cáo, khẩu hiệu viết vẽ tùy tiện trên bờ tường, cột điện, phản cảm, sai chính tả, ngữ pháp và phản tác dụng như: Cấm đái, Cấm không được đổ rác… Thậm chí ghi những câu răn đe vừa dọa vừa chửi, nhưng chỉ có tác dụng ngược, càng cấm người ta càng phóng uế.

Nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc phải chăng ở Việt Nam cấm có nghĩa là được phép (?!). Quảng cáo thập cẩm đã đến mức loạn: khoan cắt bê tông, yếu sinh lý, trĩ nội, trĩ ngoại, đến áp phích dán tường và tờ rơi đầy đường, băng rôn giăng trên cây đến poster trụ điện. TPHCM đã nhiều lần tổ chức xóa nạn loạn quảng cáo thập cẩm này nhưng vẫn không hiệu quả.

Trong khi ở các nước thiên hạ quảng cáo trên xe buýt hà rầm, bằng hình ảnh trên màn hình tivi hay poster, TPHCM lại chưa tận dụng lợi thế này để vừa đáp ứng nhu cầu quảng cáo rao vặt, vừa tạo được nguồn thu không nhỏ.

Nhiều người ngang nhiên chạy xe ngược chiều. Ảnh: THANH TÂM

Nhiều người ngang nhiên chạy xe ngược chiều. Ảnh: THANH TÂM

Tại TPHCM, do phải tập trung cải tạo hạ tầng đô thị, tình trạng dựng rào chắn chiếm dụng lòng đường nằm vạ hết năm này qua năm khác. Tại các nước, người ta chỉ thi công các công trình hạ tầng đô thị vào ban đêm hoặc làm cuốn chiếu khẩn trương, chứ không có kiểu “xí phần” ngay giữa lòng đường để hành dân.

Cũng không có kiểu tùy tiện chặn đường để quay phim, làm lễ hội hoặc tổ chức sự kiện, vì đã có phim trường, phố đi bộ, quảng trường… Chẳng nước nào tổ chức hội chợ trong công viên để chà đạp cỏ cây (dù sau đó có trồng lại). Tình trạng không tôn trọng trật tự an toàn giao thông cũng thật đáng lo ngại, nhiều người tham gia giao thông vẫn thản nhiên lấn tuyến, vượt đèn đỏ, chạy vào đường cấm, chạy xe trên lề đường…

Một số bạn trẻ là du khách châu Âu ví von rằng tham gia giao thông ở TPHCM như một loại hình “du lịch mạo hiểm” thú vị; “khen” người Việt Nam chạy xe như làm xiếc!

  • Đánh thức lòng tự trọng trong mỗi con người

Mỗi nước có cách chào hỏi riêng. Các nước ASEAN, trừ Việt Nam, đều chắp tay trước ngực để chào. Hàn Quốc và Nhật Bản thì cúi đầu. Dường như người Việt Nam ngày càng có vẻ thờ ơ hơn trong việc chào hỏi, trong khi đó lại có nhiều người “mặn mà” với việc chửi thề.

Thiên hạ chú ý dạy trẻ con những điều nhỏ nhặt, cụ thể, còn ta dạy trẻ con toàn những thứ vĩ đại, trừu tượng. Người Mỹ nổi tiếng cao bồi nhưng hành xử rất văn hóa, mở miệng là Excuse me, I’m sorry, Please, Thank you… Người Việt nổi tiếng văn hiến nhưng nhiều người nói năng cộc lốc, văng tục và hành xử thô lỗ.

Đáng buồn khi có không ít người nhận xét: “Người Việt Nam thường hung hăng, hễ chạy xe va quệt là chửi bới, ẩu đả, trong khi đó mọi người chung quanh lại xúm xít hào hứng xem. Gần đây còn có tình trạng tệ hại: gặp người bị tai nạn giao thông lại chen vào chỉ để ngó, thậm chí có kẻ còn hôi của thay vì sơ cấp cứu. Đó là biểu hiện xuống cấp văn hóa trầm trọng cần khẩn trương chấn chỉnh.

Trong khi chưa thực hiện được những chuyện to tát như văn minh, hiện đại, xin hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ như vận động bỏ rác đúng nơi quy định chứ không phải chỉ treo biển cấm xả rác là xong. Dĩ nhiên phải có thêm nhiều thùng rác công cộng.

Trong nỗ lực thiết lập trật tự an toàn giao thông, cán bộ công chức nhà nước phải nêu gương trước. Xe bảng số đỏ, bảng số xanh chạy nghênh ngang, cảnh sát giao thông phải kiên quyết xử phạt. Phải thực hiện nghiêm túc các luật lệ đã ban hành, xử phạt nghiêm minh, không thông cảm, thư tay, điện thoại giải cứu.

Chỉ có luật chung đối với mọi công dân chứ không có luật riêng cho lãnh đạo, nhà giàu hoặc dân đen. Thay các khẩu hiệu bằng những hành động cụ thể. Thay các cuộc ra quân chiến dịch rầm rộ bằng những việc làm thiết thực. Bớt tự hào viển vông kiểu “ta khen mình giỏi” mà hãy chỉ đúng những thói tật của người Việt để sửa đổi.

Đánh thức lòng tự trọng trong mỗi con người, biết xấu hổ cũng là nét văn hóa. Nếu thật lòng yêu nước, không ai lại vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, viết vẽ bậy, làm hàng giả, gian lận, tham nhũng… Cuộc sống có quy luật chung, phải tuân thủ để phát triển. Không thể làm trái quy luật, áp đặt “ý chí chủ quan trong phòng lạnh” vào cuộc sống đang nóng bỏng từng ngày. 

NGUYỄN VĂN MỸ
Tổng Giám đốc Lửa Việt & Tavitours

Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại 

- Khơi thông hệ thống kênh rạch  

- Báo Đảng cần khẳng định vai trò tiên phong

Tin cùng chuyên mục