Công luận từ lâu đã lên tiếng về chuyện các “đường dây” tiêu cực chạy án, chạy trường, chạy quota, chạy chức, chạy dự án… khó mà kể ra hết. Nói chung xã hội có nhu cầu gì thiếu công khai, nặng xin cho thì liền xuất hiện các “đường dây” chạy lo những nhu cầu ấy.
Cũng đã từng phanh phui một “đường dây” chạy trong lĩnh vực thuộc vào loại thiêng liêng mà công luận đâu đó tỏ ra bán tín bán nghi nhưng chưa bao giờ đề cập một cách thẳng thắn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Bỉnh bị khởi tố điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông này bị cáo buộc đã nhận tiền của một số đơn vị, cá nhân trong tỉnh Vĩnh Phúc với lời hứa hẹn “chạy” thành tích và huân chương, huy chương.
Chuyện “chạy” đã quá phổ biến, được gọi là “văn hóa chạy” và suy cho cùng là căn bệnh thành tích. Nó nguy hiểm ở chỗ làm cho xã hội tôn vinh những giá trị ảo, nguy cơ xóa nhòa ranh giới giữa những điều thiêng liêng đáng trân trọng với sự tầm thường vô nghĩa và tạo ra những kênh thông tin sai lệch, bị nhiễu trầm trọng.
Thông tin có vai trò vô cùng quan trọng và to lớn trong việc quản lý điều hành của nhà nước, vì thế muốn có những quyết định quản lý chính xác, hoạch định những kế hoạch khả thi thì cơ quan quản lý điều hành và người lãnh đạo phải được cung cấp những thông tin chính xác, trung thực, không bị bóp méo hay thổi phồng… Thế nhưng, từ lâu nay trong công tác điều hành quản lý nhiều khi không tránh khỏi việc nhận những thông tin theo kiểu “làm láo, báo cáo hay”, ém nhẹm khuyết điểm, bóp méo sự thật, thổi phồng thành tích…
Tất cả các loại thông tin kiểu này sẽ dẫn đến hậu quả làm sai lệch các quyết định quản lý, cũng như các kế hoạch đề ra. Cụ thể, loại thông tin thổi phồng thành tích, chạy thành tích… là liều thuốc an thần, dùng lâu sẽ rất độc hại. Tuy nhiên với việc hành xử theo cung cách “tư duy nhiệm kỳ” thì việc báo cáo thổi phồng thành tích vẫn có đất sống.
Báo chí đã từng đưa ra hình ảnh “chộp” được ở dưới các tấm biển công nhận “khu phố văn hóa” là cảnh các con nghiện tiêm chích công khai! Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, ăn vào vốn lên đến 70% - 80% ai cũng biết, nhưng năm nào cũng tổ chức lễ mừng công đón nhận danh hiệu, huân chương, huy chương… ăn nhậu ì xèo, phải chở đổ đi vài xe tải lẵng hoa chúc mừng.
Tất cả những điều này không khỏi làm cho công luận, nhân dân nghi ngờ về những “ đường dây chạy”! Ở Hà Nội, đã từng khám phá một tụ điểm ăn chơi thác loạn với quy mô lớn, vũ trường New Century, mà bất kỳ người dân Hà Nội từ trẻ đến già đều biết tiếng. Điều phi lý là vũ trường này từng được địa phương khen tặng vì thành tích giữ gìn an ninh và lực lượng bảo vệ ở đây đã được nhận đến 50 giấy khen!
Các “đường dây” mọi cấp độ, mọi chốn mọi nơi, đang từng giờ từng phút làm băng hoại đời sống xã hội, đe dọa kỷ cương phép nước và nhìn ở một góc độ nào đó, thật sự là một nguy cơ.
DIỆP VĂN SƠN
Cần nghiên cứu lại mạng lưới xe buýt
Từ Thủ Đức, hàng ngày tôi đi xe buýt xuống tận quận Bình Tân để thực tập. Vì vậy, tôi có điều kiện quan sát khá nhiều về tình hình giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống giao thông của xe buýt. Loại trừ yếu tố về hạ tầng giao thông thì việc tổ chức các luồng tuyến hiện nay tại TPHCM là điều đáng nói.
Sự thật là tôi đã cố gắng lựa chọn một lộ trình xe buýt hợp lý nhất, nhưng rốt cục vẫn phải qua 3 tuyến xe cho một lượt đi (hoặc về). Nếu tính theo chi phí hiện nay là 3.000 đồng/lượt thì mỗi ngày tôi phải sử dụng đến 6 vé, vị chi là 18.000 đồng/ngày; mỗi tháng đi lại khoảng 20 ngày, tốn hết 360.000 đồng. Hơn thế, vấn đề hiệu quả của mỗi chuyến đi. Bình quân mỗi lượt hành trình như vậy tôi mất khoảng 1,5 - 2,5 giờ mỗi ngày; có hôm kẹt xe, phải mất tới 3 giờ cho một hành trình đi (hoặc về).
Theo tôi, lộ trình các tuyến xe buýt tại TPHCM hiện nay tuy không dài mà lại hóa ra rất dài, lãng phí thời gian của khách, trong khi mạng lưới giao thông của TP đang quá tải. Hệ thống đường nội đô của TP phần nhiều là nhỏ, lại trong giai đoạn ngăn đường đào xới mà mạng lưới xe buýt hầu hết được bố trí theo hình răng lược, quá dày đặc, dẫn đến nhiều tuyến xe chạy trùng lắp trên một đoạn đường, trong khi nơi khác thì lại quá thiếu phương tiện này.
Thiết nghĩ, TP nên tổ chức hai luồng xe buýt như: Một, với loại xe buýt lớn nên bố trí trên các tuyến có lộ trình dài và đường giao thông thuận lợi để tạo ra các trục xương sống có tính kết nối với các bến xe buýt trọng điểm như Bến Thành, bến xe miền Đông, bến xe Chợ Lớn, bến xe miền Tây, bến xe An Sương. Hai, tăng cường các xe buýt nhỏ phù hợp với các tuyến đường nhỏ, ngắn, có lộ trình khép kín. Sự tham gia của loại hình xe buýt này sẽ làm giảm bớt mật độ lưu thông của các phương tiện, đồng thời giúp phân bố hợp lý mạng giao thông công cộng của TP.
CAO NGỌC QUỲNH (ĐH Ngân hàng TPHCM)