Có thể nói, năm 2023 là một năm khó khăn đối với quyết tâm của châu Phi trong việc khẳng định vai trò trên trường quốc tế, cho dù AU đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Căng thẳng chính trị gia tăng và các cuộc đảo chính liên tiếp trên lục địa tiếp tục tạo ra những nguy cơ.
Theo dự báo, khu vực Sahel gồm miền Đông CHDC Congo, một phần Cameroon và Somalia, sẽ tiếp tục là điểm nóng xung đột trong năm 2024. Phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng là những thách thức lớn khi khu vực này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Những vấn đề này thúc đẩy lãnh đạo các nước AU phải hành động, nâng cao hiệu quả của Cơ cấu An ninh và Hòa bình châu Phi cũng như Cơ cấu Quản trị châu Phi. Việc giải quyết những thách thức cơ bản này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ lục địa, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và tích hợp dựa trên động lực toàn cầu, bao gồm quản trị tốt, tăng trưởng kinh tế toàn diện, xây dựng hòa bình, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và tạo dựng môi trường bền vững.
Xuất phát từ yêu cầu đó, hội nghị lần này đã đẩy mạnh các sáng kiến như Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Bên cạnh đó là thúc đẩy số hóa giáo dục, y tế và tài chính, từ đó có thể thúc đẩy một kỷ nguyên chuyển đổi mới trên lục địa. Việc chú trọng giáo dục công bằng và hòa nhập sẽ góp phần tăng khả năng phục hồi, giảm thiểu và ngăn chặn các nhân tố dẫn đến xung đột.
Theo Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của AU Bankole Adeoye, giáo dục sẽ giúp thay đổi bộ mặt của lục địa, mang đến những cơ hội không giới hạn và là phương tiện chính để phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực ở châu Phi.