Sau 21 ngày biểu tình-đình công, các nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất Argentina cuối cùng đã thống nhất ngừng các hành động phản đối (nhiều nhất là 30 ngày) để đàm phán với chính phủ. Thống kê ban đầu về thiệt hại do cuộc đình công lớn chưa từng có ở Argentina gây ra khiến Chính phủ Argentina sửng sốt: khoảng 1,13 tỷ USD trong 21 ngày.
Con số này chỉ bao gồm những thiệt hại trong sản xuất nông sản và thiệt hại mà các ngành kinh tế chính bị ảnh hưởng (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, thương mại) chứ chưa tính đến tiền lương cho lao động, những khoản phạt mà các doanh nghiệp xuất khẩu đậu nành và ngũ cốc phải đền bù vì không giao hàng đúng thời hạn.
Biểu tình-đình công nổ ra ngày 13-3, khi Chính phủ Argentina bắt đầu áp dụng thuế xuất khẩu linh hoạt đối với hàng nông sản, trong đó tăng mạnh thuế đối với đậu nành và hạt hướng dương. Trước đó, do nhu cầu tiêu thụ đậu nành tăng cao trên thế giới, diện tích trồng cây nông nghiệp này tại Argentina trong niên vụ 2007-2008 đạt 16,9 triệu hécta, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 1/2 diện tích đất canh tác.
Hiện Argentina đứng thứ 3 về xuất khẩu hạt đậu nành. Năm ngoái, xuất khẩu đậu nành và các sản phẩm từ loại hạt lấy dầu này đem về cho quốc gia lớn thứ hai ở Nam Mỹ gần 13,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu và trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất.
Với biện pháp tăng thuế xuất khẩu đậu nành, Chính phủ Argentina hy vọng ngăn chặn việc nông dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp này, thu hẹp diện tích các loại cây trồng khác và giảm quy mô ngành chăn nuôi khiến sản lượng thịt, sữa và rau quả giảm sút. Nhưng dường như chính phủ đã không tính kỹ vì suy cho cùng, những người bị thiệt hại nhiều nhất từ chính sách thuế mới là các nhà nông vừa và nhỏ. Vì vậy, nữ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner hôm 31-3 đã phải ngầm thừa nhận (dù có chậm trễ) sai lầm của mình và tuyên bố các nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ sẽ được quay trở lại áp dụng mức thuế xuất khẩu cũ, hỗ trợ chi phí vận tải cho nông dân vùng xa, thành lập Cơ quan Phát triển Nông thôn và Nông nghiệp Gia đình để hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ, đồng thời cung cấp tín dụng ưu đãi để khuyến khích sản xuất sữa và chăn nuôi gia cầm.
Thế giới đang lâm vào khủng hoảng lương thực. Không chỉ Argentina mà nhiều nước, gần đây nhất là Philippines, cũng tích cực tìm kiếm biện pháp nhằm điều hòa lợi ích xã hội, tránh giá cả trong nước leo thang do khan hiếm nông phẩm, khi mà các nhà sản xuất chú trọng các hoạt động xuất khẩu đem lại nhiều lợi nhuận hơn nhờ giá nông sản trên thị trường quốc tế tăng cao. Tuy nhiên, dường như các nước chưa có được các chính sách mới vừa phù hợp với tình hình thực tế trong nước, vừa đáp ứng được nhu cầu trao đổi thương mại quốc tế. Với trường hợp Argentina, dự kiến, các cuộc thương lượng giữa chính phủ và các tổ chức nông nghiệp sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Các chuyên gia cho rằng các đàm phán này sẽ không hạn chế ở vấn đề thuế đầy tranh cãi hay áp dụng các biện pháp bồi thường ngắn hạn mà sẽ là cơ hội sửa sai, là cả một sự thay đổi trong quan hệ giữa nhà nước với một trong những lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế Argentina, vốn đại diện cho phân nửa giá trị xuất khẩu và chiếm 1/3 dân số lao động.
Lê Vân (Theo AFP, RFI)