Cơ hội vàng cho Mỹ, Việt Nam

Theo hãng Sputnik, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đau đầu tìm lối thoát cho vấn đề khí đốt, năng lượng, viên nén gỗ hay viên nén mùn cưa bắt đầu được chú ý đến. Với việc Nga dừng xuất khẩu một số sản phẩm từ gỗ, trong đó có viên nén gỗ, đến các quốc gia mà Moscow liệt vào danh sách “thiếu thân thiện”, cơ hội vàng đã mở ra cho xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ và Việt Nam.
Viên nén gỗ. Ảnh: Sputnik
Viên nén gỗ. Ảnh: Sputnik

Giá tăng mạnh

Hãng tin của Nga dẫn lời ông Brooks Mendell, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Forisk Consulting (Mỹ), cho biết giá khí đốt tự nhiên và giá than ở châu Âu đã tăng gấp nhiều lần so với mức giá trước đại dịch Covid-19, do nguồn cung bị gián đoạn từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, khiến viên nén gỗ trở thành chất đốt thay thế được ưa chuộng. Đây là cơ hội rất lớn cho Mỹ và Việt Nam, 2 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới mặt hàng này. Nhu cầu viên nén gỗ tăng mạnh khi nhiều công ty điện lực chuyển sang đốt sản phẩm này, thay thế than và khí đốt, để sản xuất điện.

Theo Công ty Tư vấn lâm nghiệp Wood Resources International (Mỹ), nhu cầu đối với viên gỗ có khả năng tăng 30-40% trong 5 năm tới và tùy thuộc vào cách thức phát triển nhập khẩu, sản lượng viên gỗ của châu Âu cần có thể tăng đến 10 triệu tấn.

Theo ghi nhận của Cục Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng viên nén gỗ xuất khẩu của Mỹ tăng đều đặn trong thập niên qua và tăng bứt phá vào năm ngoái với 7,4 triệu tấn. Hiện giá viên nén gỗ xuất khẩu trung bình của Mỹ trước bảo hiểm và chi phí vận chuyển đã tăng lên gần 170 USD/tấn (năm ngoái khoảng 140 USD). Thậm chí, giá viên nén gỗ trên thị trường giao ngay tăng gần gấp đôi do nguồn cung khan hiếm vì thiếu khí đốt của Nga.

Đầy tiềm năng

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, EU hiện là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 75% nhu cầu toàn cầu, đạt 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Mức kỷ lục dự kiến tiếp tục bị phá vỡ trong năm nay với con số tiêu thụ tăng lên 24,3 triệu tấn khi châu Âu sẽ không còn đủ nguồn cung khí đốt từ Nga. Việt Nam hiện đã trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Do đó, với nhu cầu tăng cao của thị trường này, giá xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam cũng tăng nhanh và hứa hẹn mang về nhiều lợi nhuận.

Dẫn một báo cáo của cơ quan chức năng Việt Nam, hãng Sputnik cho hay năm 2021, lượng xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đạt trên 3,5 triệu tấn, mang về hơn 400 triệu USD cho ngành gỗ. Đáng chú ý, không chỉ tăng giá khả quan tại thị trường EU, giá viên nén gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. Hiện 2 quốc gia Đông Bắc Á này là 2 thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam. 

Ngoài ra, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới. Vì vậy, đây là khu vực kỳ vọng sẽ giúp cho các nhà máy sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới khi các nhà máy điện chạy than chuyển sang dùng viên nén gỗ.

Tin cùng chuyên mục