Có nên hạ tuổi thành niên?

Trước tình hình tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên tại nước ta tăng đột biến trong những năm gần đây, tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, khi góp ý sửa đổi Hiến pháp, đã có ý kiến đề nghị nên xác định tuổi thành niên là 16, thay vì đủ 18 tuổi như quy định hiện hành.

Trước tình hình tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên tại nước ta tăng đột biến trong những năm gần đây, tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, khi góp ý sửa đổi Hiến pháp, đã có ý kiến đề nghị nên xác định tuổi thành niên là 16, thay vì đủ 18 tuổi như quy định hiện hành.

Ý kiến này dựa trên căn cứ lớp trẻ ngày nay trưởng thành sớm, có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật, cập nhật thông tin, dễ dàng thực hiện nhiều hành vi phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện. Do đó, việc xử lý hình sự người phạm tội có xu hướng giảm nhẹ theo độ tuổi là “thái độ bao cấp về pháp lý, chưa đánh giá đúng năng lực hành vi và năng lực pháp luật của nhóm tuổi đang được coi là vị thành niên”. Hơn nữa, có nhiều nước trên thế giới (như Cuba) quy định người từ 16 tuổi là thành niên, nên ta cũng có thể làm tương tự.

Thật ra, trên thế giới hiện nay, tuổi trưởng thành về mặt pháp lý được hầu hết các nước áp dụng là tròn 18 (trước kia là 21 tuổi); dưới hoặc trên tuổi này là những trường hợp ngoại lệ, rất hiếm hoi. Quy định tuổi thành niên là 16, ngoài Cuba, tôi biết có một vùng lãnh thổ khác là xứ Scotland (thuộc Anh). Quy định tuổi thành niên là 19, ngoài Hàn Quốc, có 2 tiểu bang ở Hoa Kỳ (Alabama và Nebraska) và một số tỉnh ở Canada áp dụng.

Còn Nhật Bản và Indonesia quy định tuổi thành niên là 20. Trong các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, điều kiện thanh thiếu niên tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại chắc chắn thuận lợi hơn Việt Nam, nhưng tuổi thành niên ở các nước này lại bằng hoặc trễ hơn ta từ 1 đến 2 năm, nên lý do cần hạ thấp tuổi thành niên ở Việt Nam xuống vì tuổi trẻ ngày nay trưởng thành sớm, theo tôi, là không có cơ sở.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 Bộ luật Hình sự (1999) quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” là thỏa đáng. Tuy nhiên, quy định “không áp dụng tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội” (Điều 34 và 35 Bộ luật Hình sự), có lẽ Quốc hội cần xem xét sửa đổi, vẫn cho áp dụng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (như vụ Lê Văn Luyện), thay vì hạ thấp tuổi thành niên, vì nó đi ngược lại với xu thế chung của thế giới; mặt khác lại so le với độ tuổi được phép kết hôn, tuổi đi bầu, tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự… được quy định trong các đạo luật khác.

PHAN TRỌNG HIỀN
(Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục