Tuần qua, thông tin về việc Bộ GTVT đề xuất đề án xây dựng sân bay Long Thành đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý trái chiều nhau.
Phía ủng hộ đề án việc xây sân bay Long Thành nhấn mạnh sự cần thiết, vì cho rằng đến năm 2017 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và khu vực phía Nam. Về nguồn kinh phí xây dựng sân bay mới, có ý kiến cho rằng nhà nước sẽ đầu tư phần hạ tầng “cứng”, không sinh lợi (giải phóng mặt bằng, đường băng…), phần còn lại sẽ do doanh nghiệp tự đầu tư, nhà nước không phải đi vay mượn. Ý kiến khác đề xuất sẽ sử dụng quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Theo những ý kiến này, việc xây mới sân bay Long Thành hoàn toàn khả thi và có thể nói đây là một đề án khá hấp dẫn.
Song song với những ý kiến đồng thuận trên, vẫn có nhiều ý kiến mang tính phản biện cần được nghiên cứu, suy nghĩ cẩn trọng. Thực sự sân bay Tân Sơn Nhất có quá tải? Nhiều thông tin phân tích trên báo chí cho biết hoàn toàn không nên lo ngại về việc này, vì chỉ số đường băng, sân đỗ và nhà ga đều đáp ứng yêu cầu cho hiện tại và tương lai. Chưa nói việc khai thác hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn chưa hợp lý, nếu biết sắp xếp, bố trí khai thác hợp lý hơn thì khả năng vài năm nữa mới đạt công suất của cả hai nhà ga.
Về hiệu quả kinh tế, không ít ý kiến còn băn khoăn, nếu đầu tư sân bay Long Thành chỉ riêng giai đoạn 1 với công suất khoảng 20 triệu khách/năm đã cần tới 164.000 tỷ đồng. Nếu đầu tư để đạt công suất 100 triệu khách/năm, số tiền sẽ cao gấp đôi số vốn giai đoạn 1.Với tình hình nguồn vốn như hiện nay, dù nhà nước chỉ đầu tư 50% ngân sách cho giai đoạn 1, thì phần còn lại cũng rất khó thuyết phục để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Rõ ràng, ngoài nhiều cái vướng cần tính toán xem xét, cái vướng lớn nhất cho đề án sân bay mới là… kinh phí. Một quan chức của Bộ KH-ĐT cho rằng khoản ngân sách nhà nước đầu tư 4 tỷ USD, có thể sẽ vay ODA. Nói thì dễ nhưng nhìn lại “túi tiền” quả là không dễ. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận 4 mới đây,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, cách đây mấy năm, tổng thu ngân sách có được bao nhiêu thì chi thường xuyên khoảng 50%, bây giờ đã lên đến 72%. Chủ tịch nước nói: “Với đà này còn lên nữa, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn, phải vay để trả nợ”. Về bội chi ngân sách, Chủ tịch nước khẳng định năm nay con số bội chi không dưới 5,2%, đó là chưa kể phát hành trái phiếu và tính luôn nguồn này con số có thể lên đến 6%. Đây là con số rất nghiêm trọng (độ an toàn khoảng 4% - 4,5%). Bội chi sẽ làm tăng nợ công, mà hiện nay nợ công đã chạm đỉnh an toàn, và Chủ tịch nước yêu cầu các ngành, các cấp “phải tiết kiệm, chi phải có hiệu quả”.
Những thông tin mà Chủ tịch nước cho biết như trên là điều không người dân nào không quan tâm. Một thông tin cần nói thêm: nợ công Việt Nam, nếu chia theo bình quân đầu người dân hiện nay thì mỗi người phải gánh đến 82 USD. Đây là số nợ không nhỏ và là lời khuyến cáo cho những tư duy cứ trông chờ vào vay mượn. Thực tế đã chứng minh, chúng ta đã tỉnh táo để tránh ngay đề án tàu cao tốc, nhưng vẫn không tránh khỏi “gót chân Achilles” với Vinashin, với những công trình ngàn tỷ phơi mưa, phơi nắng.
Được biết, Bộ GTVT sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội và Bộ Chính trị về đề án sân bay Long Thành. Tôi tin rằng Quốc hội và Bộ Chính trị sẽ có những quyết định sáng suốt trên tinh thần quốc sách tiết kiệm vẫn là lời nhắc nhở thường trực và đầu tư phải tính đến hiệu quả để thế hệ con cháu chúng ta không phải thay cha ông để gánh nợ.
NGUYỄN ĐỨC DÂN (quận 5, TPHCM)