Nhiều hộ dân TPHCM đã làm thủ tục lắp miễn phí đồng hồ cấp nước máy, nhưng rồi vẫn tiếp tục xài nước giếng khoan để tiết kiệm.
Một tháng xài chưa tới 1m³ nước
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, hiện nay, có 7% số khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng, 10% số khách hàng có mức tiêu thụ nước rất ít (chỉ từ 1-4m³/tháng). Đơn cử tại quận Gò Vấp có 12.396 đồng hồ nước không xài (10%), 19.297 đồng hồ nước chỉ sử dụng từ 1-4m³/tháng (19%); huyện Hóc Môn có 6.776 đồng hồ nước không xài (25%); quận 12 có 15.417 đồng hồ nước không xài (18%) và 17.447 đồng hồ nước chỉ sử dụng từ 1-4m³/tháng (21%)...
Với những khách hàng không sử dụng nước máy, đơn vị vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như với những khách hàng khác để duy trì việc cung cấp nước liên tục, đây là một sự lãng phí.
Ông Trần Công Lễ, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa cho biết: “Nhờ tuyên truyền vận động, nhiều người dân bắt đầu lo lắng đến sức khỏe nên đã chuyển sang sử dụng nước máy thay nước giếng. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Tân Bình và Tân Phú đã giảm số đồng hồ nước không xài từ 12.117 xuống còn 6.000. Tuy nhiên, số hộ có nước sạch mà không sử dụng như vậy vẫn còn quá nhiều”.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, kể: “Trước đây, công ty xuống vận động người dân ở huyện Bình Chánh lắp đồng hồ nước để sử dụng nước máy, nhưng cũng rất khó khăn. Nhiều hộ được lắp đồng hồ nước miễn phí nhưng xài nước chỉ nhỏ giọt, cả năm xài vài khối nước. Sau này, do nguồn nước giếng ở đây ô nhiễm nặng nên người dân có ý thức sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe, nhờ vậy số đồng hồ thường xuyên không sử dụng đã giảm hẳn, nhưng tại huyện Bình Chánh vẫn còn 1.126 đồng hồ nước không xài, và quận Bình Tân còn 12.868 đồng hồ nước không xài”.
Thực tế, có trường hợp nhiều hộ dân lo bị cắt luôn đồng hồ nước nên miễn cưỡng sử dụng nước máy, thậm chí chỉ xài chưa đến 1m³/tháng.
Nước giếng trong không có nghĩa là sạch
Dù nguồn nước giếng khoan tại nhiều quận, huyện TPHCM đang bị ô nhiễm, nhưng các hộ vẫn sử dụng chỉ vì “nhìn thấy nước trong”. Tuy nhiên, nước trong không có nghĩa là sạch. Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết: “Nước giếng khoan tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, bởi dù nước trong vẫn có nhiều chất amoni, pH, sắt... Đối với khu còn nông nghiệp, nước giếng khoan càng không an toàn vì nước thải, phân bón, rác, thuốc trừ sâu... ngấm xuống nguồn nước ngầm sẽ có hàm lượng amoni cao, dẫn đến nguy cơ gây bệnh ung thư. Có lần, tôi đã lấy mẫu nước quận Thủ Đức, nơi không có sản xuất nông nghiệp, không có khu công nghiệp và chỉ có khu dân cư, nhưng xét nghiệm nước vẫn bị nhiễm amoni rất cao. Cho nên, không thể chủ quan sử dụng bằng cảm quan mà phải đi xét nghiệm”.
Thạc sĩ Trần Ký, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường cũng lưu ý: “Việc khai thác nước ngầm quá mức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, gây suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước và là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, gia tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước dưới đất ở TPHCM. Cần có giải pháp lâu dài, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu khai thác, sử dụng nước ngầm”.
SƠN HẢI