Tôi đồng ý hoàn toàn với đúc kết từ hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện giai đoạn 2008 - 2012 Nghị quyết Liên tịch số 01 về “quản lý giáo dục con em gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” là người lớn thiếu gương mẫu, trẻ em dễ hư hỏng. Có nghe các em lớp 1 nói chuyện mới thấy sự thực ngấm vào suy nghĩ của các em bắt đầu từ người lớn. Một em kể chuyện cho các bạn cùng xóm, cô giáo hứa sinh nhật cô, lớp ngoan cô sẽ cho ăn bánh kem, cho phiếu đi Đầm Sen. Lớp thật ngoan, vậy mà cuối giờ, cô chẳng cho em nào phiếu, điềm nhiên gói cái bánh kem về nhà. Em khác hỏi: “Có ai tặng quà cho cô không?”. Em đầu tiên nói: “Không”. Tức thì các em nhao nhao: “Vậy là phải rồi, lớp không tặng quà, cô không cho ăn, không có phiếu đi Đầm Sen là đúng rồi…”.
Với các em học cấp 2 – 3, sự ảnh hưởng càng tồi tệ hơn. Có những buổi dạy thêm, tôi nhận ra các học sinh đều có mùi rượu… Hóa ra các em mừng sinh nhật bạn và mấy đứa uống vài ly bia. Một em vô tư nói: “Lúc tụi em vô quán hình như các thầy ở trường vừa mới nhậu xong. Chị chủ quán nói tụi em vào sớm chút xíu là thầy trò đụng nhau rồi…”.
Người ta đã không nghiên cứu tâm lý lứa tuổi để soạn sách giáo khoa, đưa đến tình trạng học sinh bơi không nổi cùng chương trình, vào lớp quậy phá, bỏ học… tạo một mảng nhỏ bạo lực học đường. Giờ đây, một số môi trường sư phạm được các thầy “làm gương” nhậu! Mà nhậu thường kèm theo chửi thề, nói tục… ngay trong khuôn viên trường học. Có trường hợp tồi tệ hơn, thầy vào lớp nồng nặc mùi rượu, nói năng lung tung, làm trò cười, làm gương xấu cho học sinh…
Những người bạn nước ngoài của tôi kể, nhà trường dạy xin lỗi, cám ơn… về nhà cha mẹ đưa giùm con hủ muối cũng nhắc: “Nói cám ơn đi…”. Ở Việt Nam, nhà trường cấm không chửi thề, dạy không vượt đèn đỏ, không giẫm lên cỏ… thế nhưng về nhà, cha mẹ thoải mái văng tục, vượt đèn đỏ, giẫm lên cỏ để chụp hình…! Nhà trường dạy sống và làm việc bằng cái tâm, trân trọng những giá trị tinh thần, thế nhưng ra rả trên TV, các chương trình quảng cáo đề cao sự sành điệu trong cuộc sống hưởng thụ vật chất như đi xe xịn, uống bia có đẳng cấp… Như vậy “người lớn” đó ngoài cha mẹ, thầy cô… còn phải kể đến những thước phim quảng cáo, những bộ phim đề cao chủ nghĩa cá nhân, cuộc sống thực dụng… cũng làm một bộ phận thanh thiếu niên hư hỏng.
Quy định không cho đánh mắng học sinh và cũng có không ít thầy cô vì muốn tốt cho học sinh lỡ tát các em đã bị đình chỉ công tác. Do vậy để yên thân, giáo viên chọn thái độ “mackeno”. Cha mẹ phó mặc cho nhà trường, thầy cô không dám đụng đến…, các em như những con ngựa không cương, không hư hỏng mới là chuyện lạ.
Hãy chỉ ra cho đúng những nguyên nhân đưa đến tình trạng hư hỏng của một bộ phận giới trẻ hiện nay: thiếu kỹ năng sống, thiếu ý thức trách nhiệm và không có nhân cách để từ đó có định hướng giáo dục đúng đắn từ học đường, gia đình và xã hội…
Nguyễn Ngọc Hà